Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Xây dựng nông thôn mới song không được quên vấn đề môi trường

Hà Anh (T/h)|06/11/2019 10:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đời sống của người dân chưa được nâng lên so với yêu cầu thực tế; thu gom, xử lý rác thải của một số xã chưa đạt chỉ tiêu. Hiện mới có 63,7% số xã có thu gom rác thải. Môi trường sản xuất, môi trường tự nhiên còn vấn đề cần giải quyết.

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sáng 6-11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Long, cho biết nhiều cử tri, các cán bộ lão thành cách mạng tại các vùng kháng chiến, an toàn khu, vốn phần lớn là các vùng sâu, vùng xa mong muốn được nhà nước đầu tư các công trình nông thôn mới, song chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận vấn đề mà bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu là đúng. Ông Cường khẳng định Bộ sẽ quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho các khu vực này trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vùng miền núi, hải đảo, vùng biên giới là những vùng nút thắt khó khăn trong vấn đề xây dựng nông thôn mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở khu vực này rất yếu, nguồn lực nhà nước cũng chỉ có hơn 10 %.

Những nơi thuận lợi đã đạt được rồi thì bây giờ sẽ tập trung vào những vùng còn khó khăn. Nhưng giải pháp quan trọng nhất là bản thân người dân ở những nơi đây phải có ý thức tự vươn lên, ý thức thoát nghèo. Khơi dậy được sức mạnh của người dân mới là yếu tố quan trọng, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về giải pháp, ông Cường cho hay, Thủ tướng đã giao đánh giá lại 10 năm xây dựng nông thôn mới, từ đó sẽ có cơ sở đề hoàn thiện, đề xuất nguồn lực và đề xuất những phương thức giải quyết vấn đề trên.

Cũng liên quan đến nông thôn mới, ông Cường trước đó thông tin, Chính phủ đánh giá chương trình này đạt được kết quả lịch sử: Trong 9 năm, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở nông thôn được nâng lên. 100% số xã và hơn 90% số thôn có điện, gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm.

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực nông thôn được đẩy mạnh, có bước phát triển mới, khơi dậy sức mạnh của nhân dân và cộng đồng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Nhiều địa phương đã xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải” để phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bình yên ở nông thôn.

Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã và đang trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng cho biết, dù đời sống người dân tăng lên 3,5 lần nhưng so với nhu cầu, yêu cầu thì chưa đạt. Đời sống của người dân chưa được nâng lên so với yêu cầu thực tế; thu gom, xử lý rác thải của một số xã chưa đạt chỉ tiêu. Hiện mới có 63,7% số xã có thu gom rác thải. Môi trường sản xuất, môi trường tự nhiên còn vấn đề cần giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng tranh luận về quan điểm “chỉ cần lo thị trường, còn khâu tổ chức sản xuất không còn là số một” của bộ trưởng Cường.

Theo bà, khâu sản xuất, phát triển sản xuất vẫn phải là khâu gốc để nông nghiệp phát triển bền vững và phát triển đúng tiềm năng.

“Đề nghị Bộ trưởng giải thích quan điểm của tôi như vậy đúng hay sai và giải thích tại sao khâu tổ chức sản xuất không phải là số một. Nếu không có tổ chức sản xuất thì lấy đâu ra sản phẩm tốt, lấy đâu ra sản phẩm để bán và bán cho ai, lấy gì để chế biến?”, bà Tâm đặt câu hỏi.

Giải thích rõ hơn giá trị của nông sản là một chuỗi, bộ trưởng Cường cho hay trong điều kiện tổ chức sản xuất của chúng ta, thị trường là khâu khó nhất. “Chiến tranh thương mại vừa qua, từng cân rau, cân quả đấu tranh với nhau để bán hàng, khó nhất là chỗ đó”, bộ trưởng nói.

Trong khi đó, khâu chế biến của chúng ta hiện nay rất kém, hầu hết là xuất thô. Do đó, nếu làm được nhà máy tốt, quay trở lại hình thành vùng nguyên liệu tốt, tiêu chuẩn. Còn đi bán hàng, xuất khẩu không đảm bảo chất lượng thì sẽ không ai mua.

Hà Anh (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Xây dựng nông thôn mới song không được quên vấn đề môi trường