Báo cáo thường niên của chính phủ Brazil ngày 18/11 cho biết diện tích rừng Amazon bị tàn phá đã tăng 22% so với một năm trước đó.
Dữ liệu vệ tinh PRODES của Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) ghi nhận khoảng 13.235 km2 (5.110 dặm vuông) rừng Amazon bị tàn phá, tương đương gần 17 lần diện tích thành phố New York.
Trước đó, báo cáo của INPE ngày 27/10 cho thấy nạn phá rừng Amazon gia tăng theo từng chu kỳ trong số bốn chu kỳ giám sát gần đây nhất.
Ảnh chụp từ trên không cho thấy một khu vực rừng Amazon bị chặt phá ở bang Rondonia, Brazil ngày 28/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Môi trường Brazil Joaquim Pereira Leite thừa nhận những số liệu trên đặt ra một thách thức với chính phủ, đồng thời nhấn mạnh cần phải có các hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các loại tội phạm môi trường, đặc biệt là vấn đề chặt phá rừng bất hợp pháp.
Với 60% tổng diện tích rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Brazil, quốc gia này được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thỏa thuận ngăn chặn nạn phá rừng đến năm 2030 được hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới ký kết trong khuôn khổ hội nghị COP26.
Cây cối ở rừng rậm Amazon giúp hấp thụ một lượng lớn khí CO2 từ bầu khí quyển. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng, nếu diện tích rừng Amazon bị tàn phá đạt mức nhất định, “lá phổi xanh” của Trái đất sẽ chạm ngưỡng, khô héo dần và biến thành thảo nguyên.
Điều đó sẽ giải phóng một lượng CO2 khổng lồ, và gần như bảo đảm rằng thế giới sẽ không thể đạt được các mục tiêu đề ra nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh), Brazil cam kết sẽ chấm dứt nạn chặt phá rừng bất hợp pháp tại nước này vào năm 2028, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra trước đó.
Hoài An