Theo đó, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực, đã khắc phục nhiều vấn đề pháp lý còn tồn tại trong giai đoạn trước và nâng mức xử phạt với tội phạm về động vật hoang dã.
Từ kết quả phân tích 552 vụ án về ĐVHD bị xử lý hình sự trong giai đoạn 2015-2020, báo cáo đã phản ánh những chuyển biến tích cực của cơ quan chức năng trong nỗ lực ngăn chặn các tội phạm về ĐVHD. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2019, số lượng các vụ án hình sự về ĐVHD đã tăng 44%. Tỉ lệ trung bình số vụ án hình sự có phát hiện đối tượng bị bắt giữ trong giai đoạn 2015-2019 là 86,7% trên tổng số vụ án, con số này trong nửa đầu năm 2020 đã lên đến 97% (36/37 vụ).
Nhóm đối tượng bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xử lý hình sự vì buôn bán trái phép 7 cá thể hổ con. Ảnh: ENV.
Trong năm 2015, chỉ có 45,8% vụ án hình sự về ĐVHD được đưa ra xét xử có đối tượng bị phạt tù (không được hưởng án treo). Tuy nhiên, con số này trong 6 tháng đầu năm 2020 là 67,9%.
Bên cạnh đó, mức án tù giam trung bình đối với tội phạm về ĐVHD trong năm 2015 là 0,98 năm nhưng đến nay, mức án tù giam trung bình đã lên tới 4,49 năm (tính tới 6/2020), tăng 358% so với năm 2015. Trong giai đoạn 2018-2020, ENV ghi nhận nhiều bản án nghiêm khắc với các đối tượng phạm tội về ĐVHD, với mức phạt lên đến từ 10 đến 13 năm cho một số đối tượng.
“Nhìn vào công tác xử lý tội phạm về ĐVHD hơn 5 năm qua, điểm nổi bật nhất là tinh thần ngày càng kiên quyết của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam,” bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV, Phụ trách Chương trình Chính sách và Pháp luật nhận định. “ENV đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan chức năng, tòa án, viện kiểm sát và những nhà hoạch định chính sách trong việc sửa đổi Bộ luật Hình sự và áp dụng công cụ hữu hiệu này để xử lý hiệu quả tội phạm về ĐVHD”.
Việt Nam đạt bước tiến lớn trong xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Ảnh: ENV.
Mặc dù nhiều bước tiến đã được ghi nhận, Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài để chấm dứt hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép. Báo cáo cũng nêu ra 4 thách thức lớn đang là rào cản với công tác thực thi pháp luật về ĐVHD cần phải giải quyết như sau: Chấm dứt tình trạng tham nhũng trong hoạt động xử lý tội phạm về ĐVHD; Tập trung điều tra, xử lý đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép; Xác định, bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự những kẻ đứng sau các lô hàng ĐVHD lớn bị bắt tại các cửa khẩu; Áp dụng quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực như rửa tiền, trốn thuế để xác định và xử lý các đối tượng có liên quan trong đường dây buôn bán ĐVHD trái phép.
“Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự đồng lòng của các cơ quan, ban, ngành chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, viện kiểm sát và tòa án, chúng ta tự hào với những thành tựu đã đạt được trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam” bà Hà khẳng định. “Phát huy những kết quả đã đạt được, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để triệt tiêu các đường dây buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép, quy mô lớn thông qua việc bắt giữ và xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây này.”
Hồng Anh