Cà Mau áp dụng công nghệ mới ứng phó sạt lở bờ biển

Bích Thuần (t/h)|30/10/2018 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 29/10, UBND tỉnh Cà Mau và Tổng cục Phòng chống thiên tai tiến hành kiểm tra thực tế tiến độ công trình kè đang thực hiện theo cơ chế khẩn cấp tại đoạn Kinh Mới – Đá Bạc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, với chiều dài khoảng 1,2km. Công trình do Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) thực hiện bằng giải pháp công nghệ mới có tên gọi “Cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” thuộc cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 về Khoa học – Công nghệ của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo. Đây là giải pháp công nghệ vừa rút ngắn thời gian thi công, vừa giảm giá thành đáng kể so với các giải pháp trước đây.

>>> Tạp chí Môi trường và Cuộc sống trao học bổng quỹ “Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu” tại trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu

>>> Chương trình Gala phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” – Chủ đề “Hạn hán và Xâm nhập mặn” tại TP. Hồ Chí Minh

UBND tỉnh Cà Mau và Tổng cục phòng chống thiên tai kiểm tra tiến độ công trình khẩn cấp ven bờ biển Tây ngày 29/10. (Ảnh: DS)

Sau thành công từ giải pháp kè li tâm tạo bãi trồng rừng, tỉnh Cà Mau quyết định áp dụng thêm giải pháp công nghệ mới nhằm ứng phó tình trạng sạt lở ven bờ biển Tây…Giải pháp công nghệ mới có tên gọi “Cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”, đang được triển khai theo cơ chế lệnh khẩn cấp tại đoạn bờ biển bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 1.200 m khu vực ven biển Kinh Mới – Đá Bạc (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Công trình do Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) thực hiện.

Trong buổi kiểm tra thực tế tiến độ thi công vào sáng 29/10 cùng với đại diện của Tổng cục phòng chống thiên tai, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết: Sở dĩ tỉnh chọn giải pháp công nghệ của Busadco bởi: Phía Busadco sử dụng công nghệ làm kè bằng vật liệu bê-tông cốt phi kim chống ăn mòn trong môi trường nước mặn, được sản xuất trên dây chuyền bê-tông thành mỏng đúc sẵn. Vì vậy, sẽ khắc phục được những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn trong quá trình thi công. Công nghệ kè ấy với hệ liên kết lắp ghép đồng bộ, bảo đảm chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, sạt lở, xói mòn… và thời gian thi công được rút ngắn, giá thành cạnh tranh (khoảng 18 tỷ đồng/1 km).

Cùng với kè li tâm tạo bãi trồng rừng, đê trụ rỗng, “cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” là một trong ba giải pháp công trình đang được triển khai theo cơ chế hộ đê khẩn cấp ven bờ biển Tây Cà Mau, đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 3,7 km thuộc địa phận huyện Trần Văn Thời. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, sẽ ưu tiên sử dụng những giải pháp công trình đã được áp dụng tại Cà Mau và đã mang lại hiệu quả; thời gian hoàn thành là trước khi mùa mưa bão 2018 kết thúc, nhằm phát huy công năng ứng phó với sạt lở, kịp thời bảo vệ đê biển nguy cơ bị vỡ do sạt lở gây ra. Trước áp lực về tiến độ và thời gian hoàn thành, có không ít nhà thầu đã từ chối đảm nhận công trình Bởi vậy, Cà Mau “chia nhỏ” công trình khẩn cấp thành nhiều đoạn nhằm tận dụng lợi thế số đông về thiết bị, nhân lực của các đơn vị thi công, trong đó có Busadco.

Tuy thời gian hoàn thành có thể trễ hơn kế hoạch dự kiến, nhưng theo cam kết của đại diện Busadco, nhà thầu sẽ ứng kinh phí thực hiện trước và chỉ thu hồi vốn đầu tư sau khi công trình chứng minh được hiệu quả. Hơn nữa, trong quá trình triển khai giải pháp khẩn cấp phía ngoài đê, Busadco cũng cam kết bảo vệ con đê hiện hữu không bị sạt lở do sóng dữ, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ. Được biết, Busadco là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Đơn vị đã nghiên cứu và ứng dụng trên 100 công trình khoa học công nghệ, sản phẩm dùng trong xây dựng, dân dụng, công nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương như: Thái Bình, Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và một số tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Bích Thuần (t/h)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau áp dụng công nghệ mới ứng phó sạt lở bờ biển