Cà Mau chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU

Theo báo Biên phòng|24/02/2021 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) vì khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản, phát triển kinh tế Việt Nam mà đây còn là cơ hội để tái cấu trúc lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững, hiện đại; đồng thời, giữ hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Số vụ vi phạm giảm nhiều

Cà Mau là tỉnh duy nhất của Việt Nam có cả bờ biển Đông và bờ biển Tây, với tổng chiều dài bờ biển 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước, diện tích ngư trường gần 80.000km2. Là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, Cà Mau có nguồn lợi thủy sản phong phú, rất thuận lợi cho việc phát triển nghề khai thác thủy sản; với 5 cảng cá đang hoạt động (Cà Mau, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc và Hố Gùi), đáp ứng khoảng 350 tàu cập cảng mỗi ngày, với sản lượng hàng hóa qua cảng khoảng 86.000 tấn mỗi năm.

Vùng biển Cà Mau chịu nhiều sức ép của việc khai thác quá mức với cường độ cao trong khoảng thời gian dài. Trong khai thác tồn tại nhiều loại ngư cụ và kỹ thuật khai thác có tính chất “hủy diệt” nên nguồn lợi thủy sản của Cà Mau đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về thành phần loài và kích cỡ. Cà Mau hiện có gần 5.000 tàu đánh cá, trong đó có 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Trước kia, do đặc điểm địa lý, sự kiểm tra, giám sát chưa đồng bộ nên số vụ tàu cá vi phạm quy chế vùng biển vẫn còn diễn ra. Cá biệt, có tàu còn vượt sang cả vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2017-2020, Cà Mau đã có 51 phương tiện/289 người bị nước ngoài bắt giữ, xử lý…

Ngư dân Cà Mau phấn khởi vì được mùa cá cơm. 

Với quyết tâm cùng cả nước chung tay gỡ “thẻ vàng” của EC, từ cuối năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Cà Mau ban hành khoảng 50 văn bản liên quan trên lĩnh vực khai thác thủy sản. Có thể nói, đây là lĩnh vực mà trong thời gian ngắn có số lượng văn bản được ban hành, chỉ đạo nhiều nhất nhằm tổ chức sắp xếp lại nghề khai thác theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, tỉnh Cà Mau đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm mang lại kết quả tích cực thông qua các hình thức như: Mở lớp tuyên truyền tại các xã, các đồn Biên phòng; phát thanh trên hệ thống truyền thông cấp xã; phát thanh ngoài biển trên tần số của các đài trực canh dân sự duyên hải; nhắn tin qua điện thoại; in ấn tờ rơi, tờ gấp, pa nô, sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực vùng cấm khai thác, thực hiện các phóng sự chuyên đề…

Sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp

Cùng với việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, đến nay, BĐBP Cà Mau đã phối hợp với các ngành chức năng, hướng dẫn, vận động gần 1.500 chủ tàu thuyền đánh bắt xa bờ đăng ký cam kết không vi phạm quy chế vùng biển, đặc biệt là vùng biển nước ngoài. Nhờ vậy, số phương tiện bị bắt, xử lý từ đầu năm 2019 đến nay trên vùng biển Cà Mau đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Công văn số 6280/UBND-NNTN ngày 27-10-2020 về tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao hiệu quả chống IUU. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định đối với tàu cá ra, vào cửa biển, tàu cá xuất, nhập bến, cảng cá. Xử lý và đề xuất cấp thẩm quyền xử lý triệt để hành vi cố tình vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt, UBND tỉnh Cà Mau đã xem việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là giải pháp căn cơ và ưu tiên tập trung thực hiện. Toàn tỉnh có 1.387 tàu (trong số 1.502 tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình) đã hoàn thành việc lắp đặt. Số ít tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (do ngưng hoạt động; đang hoạt động lâu ngày trên biển chưa vào bờ hoặc vào các đảo, hòn trong và ngoài tỉnh), lực lượng chức năng tỉnh tiến hành điều tra, xác minh từng trường hợp, làm biên bản cam kết với chủ tàu và quản lý chặt chẽ, cũng như sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị khi đưa tàu đi hoạt động khai thác thủy sản hoặc vào bờ.

Song song với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, phấn đấu kiểm soát 100% sản lượng thủy sản bốc dỡ tại các cảng cá chỉ định và thu hồi nhật ký khai thác của các tàu cá cập cảng để bốc dỡ thủy sản; truy xuất nguồn gốc thủy sản xuất sang thị trường châu Âu. Ngành Nông nghiệp Cà Mau đã tăng cường bố trí kinh phí và nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ chống IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”; trong đó, ưu tiên kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống IUU; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Về lâu dài, tỉnh Cà Mau từng bước triển khai các phương án chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, giảm áp lực khai thác hải sản, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Theo báo Biên phòng

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU