Theo bà Đỗ Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia (Gaia), hệ sinh thái rừng ngập mặn hay còn gọi là hệ sinh thái “carbon xanh” giúp “khóa” được carbon hiệu quả gấp từ 4-10 lần so với rừng trên cạn tùy vào các khu vực khác nhau. Bởi rừng ngập mặn không chỉ lưu trữ carbon trong sinh khối của cây mà còn trong trầm tích rừng ngập mặn, đầm lầy thủy triều, đồng cỏ biển.
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn ven biển còn có vai trò bảo vệ đới bờ khỏi bị sạt lở, giữ đất không bị đánh trôi ra bãi biển, hạn chế xâm nhập mặn. Đồng thời, rừng ngập mặn còn là nơi ấu trùng của các loài thủy hải sản sinh sống. Bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ sinh kế cho người dân.
“Khoanh nuôi rừng Cà Mau có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu bởi khả năng lưu trữ carbon gấp từ 4-10 lần sao với rừng trên cạn tùy theo khu vực khác nhau. Bên cạnh đó, dự báo sắp tới về hiện tượng El Nino quay trở lại sẽ khiến tình hình hạn mặn, xâm nhập mặn nghiêm trọng hơn. Việc bảo vệ khoanh nuôi và phát triển rừng ngập mặn mang tính chất sống còn để bảo vệ sinh kế cũng như an ninh lương thực”, bà Đỗ Thị Thanh Huyền khẳng định.
Cũng theo bà Huyền, để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của dự án “Cánh rừng Net Zero”, Gaia phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau triển khai các hoạt động bảo vệ và giám sát khu vực khoanh nuôi trong 3 năm qua như: truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân; tuần tra giám sát, gia cố hàng rào bảo vệ khu rừng, thực hiện các nghiên cứu đo lường những tác động khu rừng tạo ra trong vòng 6 năm.
Nhờ việc triển khai kế hoạch và giám sát chặt chẽ, khu rừng 50ha đầu tiên Gaia khoanh nuôi tại Cà Mau, sau 3 năm đã có hơn 1 triệu cây mắm tái sinh. "Với những kết quả khả quan và những tác động tích cực tiềm năng mà dự án mang lại, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đồng hành với chương trình gây rừng tại Cà Mau", Giám đốc Gaia nói.
Ngày 21/8 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã khởi động chương trình “Cánh rừng Net Zero”, khoanh nuôi 25ha bãi bồi thuộc vùng lõi tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Chương trình có sự tham gia của các lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và gần 60 cán bộ, công nhân viên Vinamilk cùng chung tay gây rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng vào năm 2050.
Cũng theo bà Huyền, trong 3 năm qua, kết nối các nguồn lực xã hội, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau triển khai khoanh nuôi 160 ha bãi bồi. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm để cộng đồng cùng tham gia khoanh nuôi, giám sát rừng và tìm hiểu thêm các kiến thức hữu ích về thiên nhiên và môi trường.
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, sau 2 năm triển khai Dự án "Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho cộng đồng dễ bị tổn thương" tại xã Đất Mũi trên lâm phận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và xã Tam Giang Đông, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang đã tạo ra nhiều tác động tích cực, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, học hỏi các mô hình sinh kế mới, thí điểm các hoạt động sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành viên... Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2021 với tổng kinh phí 940.000 EUR do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới của Đức tài trợ và UBND tỉnh Cà Mau đóng góp 15% vốn đối ứng.