Cả nước ghi nhận 198 ca mắc bạch hầu, 4 trường hợp tử vong

Mai Anh|22/09/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 198 ca mắc bạch hầu, trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca.

Ngày 21/9, tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6 – 7.

Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca; miền Trung 22 ca; miền Nam 4 ca; riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu. Điều tra dịch tễ cho thấy, trong 198 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng), có 4 ca tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1).

Ngành y tế Đắk Nông tổ chức điều tra dịch tễ, khám bệnh bạch hầu tại trường học. Ảnh: Báo Bình Phước

So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, 3 tử vong) số mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp. Số mắc tăng lên từ tháng 6 – 8, riêng khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6 năm 2020. Số mắc từ 3 tháng tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10 – 14 tuổi. Đáng nói, có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng dự báo trong thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, các ổ dịch tại khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, sau nhiều năm tích lũy số lượng không được tiêm chủng hoặc tiêm không đủ mũi, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Theo các chuyên gia, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Miễn dịch bạch hầu không bền vững.

Do đó, đối với người đã tiêm đủ 4 mũi vaccine có thành phần bạch hầu cần tiếp tục được tiêm nhắc lại. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống bệnh bạch hầu người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân ở nhà, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế, khám, xét nghiệm kịp thời….cũng là một trong những biện pháp giúp phòng tránh bệnh bạch hầu.

Mai Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cả nước ghi nhận 198 ca mắc bạch hầu, 4 trường hợp tử vong
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.