Cà phê Thuận An: Đưa máy bay không người lái áp dụng trong canh tác cà phê và cây hoa màu

PV|03/08/2023 15:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ đầu năm 2023, Công ty CP Cà phê Thuận An (Đắk Nông) đã đưa vào sử dụng máy bay phun thuốc trong canh tác cây cà phê và cây hoa màu. Trợ thủ đắc lực này đã và đang khẳng định hiệu quả tối ưu trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng chất lượng và giá thành cạnh tranh của sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu “Cà phê đặc sản Thuận An”.

Từ việc đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại…

Là một trong những công ty đầu tàu về trồng, sản xuất và chế biến cà phê của huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, sở hữu gần 130 ha diện tích cà phê, Công ty CP Cà phê Thuận An đang hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu “Cà phê đặc sản Thuận An” nhằm góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê Đắk Nông trên thị trường trong nước và thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Cà phê Thuận An đã và đang áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến; giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng các hoạt chất sinh học nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Điển hình nhất, đầu năm 2023, Công ty Cà phê Thuận An đã đưa vào sử dụng máy bay không người lái. Trái ngược với phương pháp phun phủ thủ công, truyền thống, đây được xem là mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, giúp tiết kiệm khoảng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật, 90-95% lượng nước sử dụng.

ca-phe-thuan-an-1.jpg
Công ty CP Cà phê Thuận An đã đưa vào sử dụng máy bay phun thuốc trong canh tác cây cà phê và cây hoa màu

Theo đại diện lãnh đạo Công ty, với công nghệ phun sương, thuốc được phun ra dưới dạng sương mù có kích thước hạt thuốc siêu nhỏ, dễ dàng bám vào lá cây, không bị trôi xuống đất. Do đó, việc sử dụng máy bay phun tầng thấp không những tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh mà còn tránh lãng phí, tránh khuếch tán, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ra đất, môi trường; tiết kiệm nhân công, thời gian và chi phí.

Không chỉ đưa vào máy bay không người lái trong canh tác, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2024-2026, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng chủ lực này theo hướng trồng, canh tác cà phê đa thân và ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, điển hình là tưới nhỏ giọt NETAFIM-ISRAEL. Đây là công nghệ tiên tiến, được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển nhằm tăng hiệu quả, năng suất cây trồng, vừa góp phần tiết kiệm công lao động, phân bón, nước tưới; vừa hạn chế xói mòn, rửa trôi đất mặt, giảm rửa trôi hóa chất, phân bón ra môi trường.

Với vai trò là cây trồng nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Nông, cùng với định hướng phát triển cà phê đặc sản tỉnh Đắk Nông phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, “lá cờ đầu” Thuận An đã và đang từng bước “chuyển mình” để góp phần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Đắk Nông nói chung trên thị trường trong nước và thế giới.

Đến chiến lược phát triển kinh tế bền vững

Ở khía cạnh vĩ mô, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của Công ty Thuận An đã và đang góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, với định hướng phát triển cà phê theo hướng xanh và bền vững, trong quá trình canh tác – sản xuất, doanh nghiệp luôn ưu tiên sử dụng các hoạt chất sinh học để phun tưới cho cây trồng.

ca-phe-thuan-an-2.jpg
Mô hình cà phê cảnh quan đang được triển khai trên diện rộng

Không dừng lại ở đó, bám sát chủ trương của Trung ương và địa phương, Công ty Thuận An cũng đã và đang chuyển đổi, triển khai mô hình cà phê cảnh quan. Thay vì canh tác theo lối truyền thống, vườn cà phê sẽ được xây dựng theo mô hình vườn sinh thái 3 tầng. Trong đó, tầng cây cao gồm cây ăn trái, cây cảnh dùng để che nắng, che sương, che gió nhằm điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung là trồng cà phê và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ và cây hoa màu. Theo đó, cà phê cũng được chăm sóc, canh tác theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường, thu hái chín đạt 90 – 100%.

Với mục tiêu đẩy mạnh và phát triển kinh tế nông nghiệp của các vùng biên giới tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung, Công ty CP Cà phê Thuận An cũng đã có những đóng góp bước đầu trong việc triển khai và hiện thực hóa định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Doanh nghiệp đã và đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 100-150 lao động tại địa phương, đặc biệt là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Với việc làm ổn định và thu nhập khá, người lao động sẽ yên tâm gắn bó với vùng đất biên giới – biên cương, cùng chung tay phát triển kinh tế địa phương.

ca-phe-thuan-an-3.jpg
Công ty Cà phê Thuận An đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Không dừng lại ở đó, trong suốt thời gian qua, Công ty CP Cà phê Thuận An cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại địa phương, như: trao tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn, tặng quà cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, ủng hộ Quỹ khuyến học, đóng góp chương trình xây dựng Nông thôn mới, ủng hộ kinh phí không nhỏ cùng nhiều vật tư y tế để chung tay với địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19…

Với những đóng góp tích cực trên, Công ty CP Cà phê Thuận An đã và đang từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới Đắk Nông, nâng cao vị thế và thương hiệu của sản phẩm cà phê Đắk Nông trên thị trường trong và ngoài nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cà phê Thuận An: Đưa máy bay không người lái áp dụng trong canh tác cà phê và cây hoa màu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.