Biến đổi khí hậu

Các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất sau bão

Phúc An 03/10/2024 15:30

Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, tình hình thiên tai tại các vùng cao trở nên đặc biệt nghiêm trọng với nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Vì vậy, việc dự báo và thực hiện các biện pháp phòng chống lũ ống, lũ quét càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Sau khi bão xảy ra, mưa lớn khiến nguy cơ xảy ra lũ quét với quy mô lớn hơn, cường độ mạnh hơn, gây thiệt hại lớn về tài sản và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân. Trước tình hình đó, người dân cần đặc biệt cẩn trọng và theo dõi những yếu tố chính nguy cơ gây sạt lở, bao gồm:

Mưa lớn sau bão: Sau khi bão đi qua, đất đá đã bị bão làm yếu đi, dễ bị sạt lở. Nếu tiếp tục có mưa lớn, lượng nước không thể thấm vào đất mà sẽ chảy mạnh, dễ dẫn đến lũ quét.

lu.jpg
Ảnh minh họa

Địa hình có nguy cơ sạt lở: Các khu vực đồi núi bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất sau bão cần đặc biệt được quan tâm, bởi đây là nơi dễ xảy ra lũ quét nhất.

Dự báo thời tiết: Trung tâm khí tượng thủy văn có thể dự báo lượng mưa và vị trí các cơn bão tiếp theo, từ đó người dân cần chú ý theo dõi để có các biện pháp phòng tránh.

Và để có thể phòng chống lũ quét sau khi bão đi qua đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện các biện pháp đồng bộ từ chính quyền địa phương đến từng người dân.

Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động cập nhật thông tin dự báo thời tiết và cảnh báo lũ quét từ cơ quan chức năng. Trong tình huống đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ lũ quét, chính quyền địa phương cần tổ chức sơ tán kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân.

Sau khi bão đi qua, chính quyền và người dân cần tập trung vào việc gia cố lại các khu vực sạt lở, bằng cách sử dụng các biện pháp kỹ thuật như kè đá, làm mương thoát nước tạm thời, hoặc trồng cây ngắn ngày để hạn chế đất bị cuốn trôi. Những khu vực có nguy cơ cao cần được gia cố bằng rọ đá hoặc các phương pháp chống sạt lở hiệu quả.

Giải pháp hiệu quả và kinh tế trong phòng tránh tai biến lũ quét là quy hoạch không gian sống an toàn, không ở những nơi mà dòng chảy hướng thẳng vào khu dân cư (quy hoạch khu dân cư trên bờ cong nhỏ của dòng suối); quy hoạch khu dân cư chỉ ở 1 bên bờ suối (bờ cao thì tốt hơn).

Ở đó, có thể xây dựng công trình bảo vệ bờ, dải đất bên bờ thấp không xây dựng, là quỹ đất dùng để sản xuất canh tác và là không gian thoát lũ nhằm giảm năng lượng dòng lũ khi thiên tai xảy ra.

Trong trường hợp có dự báo về một cơn bão tiếp theo, việc lên kế hoạch sơ tán người dân khỏi các vùng có nguy cơ cao là điều cần thiết. Những nơi đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần được đặt trong tình trạng báo động và có kế hoạch sơ tán cụ thể.

Trong thời gian sau bão, việc duy trì sự liên lạc giữa chính quyền địa phương, lực lượng cứu hộ và người dân là vô cùng quan trọng. Các trạm thông tin di động, phương tiện phát thanh tại chỗ cần được bố trí để đảm bảo mọi người dân đều nhận được các cảnh báo và hướng dẫn kịp thời.

Đồng thời, các hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cần được thiết lập và duy trì hoạt động. Theo dõi sát sao các thiết bị cảnh báo nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu sạt lở, nước dâng từ thượng nguồn, từ đó có thể cảnh báo sớm cho người dân. Đặc biệt, các thiết bị như cảm biến địa chất, hệ thống đo mực nước và các công cụ dự báo khí tượng là giải pháp dài hạn cần đầu tư.

Chính quyền địa phương cũng cần có kế hoạch hành động khẩn cấp, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho người dân về cách nhận biết dấu hiệu của thiên tai và cách thoát hiểm.

Người dân cần tự trang bị kiến thức và kỹ năng, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng nhà cửa kiên cố, tránh những khu vực có nguy cơ cao. Việc lập các nhóm cứu hộ tình nguyện địa phương cũng có thể giúp giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Trong bối cảnh bão liên tiếp xảy ra, làm sạt lở đất và tạo nguy cơ lũ quét ở các vùng cao, việc dự báo và phòng chống thiên tai là cấp thiết. Cả cộng đồng và chính quyền cần hợp tác chặt chẽ, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Việc nhận thức rõ ràng về nguy cơ thiên tai, có kế hoạch sơ tán và chuẩn bị cơ sở hạ tầng phù hợp sẽ giúp bảo vệ người dân vùng cao khỏi những rủi ro tiềm ẩn từ các đợt bão lũ trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất sau bão
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.