Canxi là nguồn khoáng chất không thể thiếu cho một hệ xương khớp chắc khỏe cũng như để cơ bắp, dây thần kinh hoạt động trơn tru. Theo Viện dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam, mỗi người lớn cần khoảng 1.000mg canxi/ngày, phụ nữ trên 50 tuổi nên tiêu thụ khoảng 1.200mg canxi/ngày, với trẻ em từ 4-18 tuổi thì con số này là 1.300mg.
Để giữ cho xương khớp luôn khỏe mạnh, chúng ta cần nạp canxi cho cơ thể chủ yếu thông qua các thực phẩm ăn uống hàng ngày. Song, không phải món ăn nào cũng có lợi cho xương, thậm chí có nhiều loại có thể làm loãng xương và cản trở quá trình hấp thu canxi của cơ thể.
Nước ngọt, nước có ga
Nước ngọt thường tạo cảm giác thích thú, tăng khẩu vị trong bữa ăn. Tuy nhiên, trong nước ngọt lại có quá nhiều axit photphoric, một loại axit hoàn toàn không tốt cho xương bởi loại axit này làm tăng nhanh tốc độ thải canxi của cơ thể trong qua hệ thống bài tiết. Vì vậy, để đảm bảo độ chắc và vững của xương, bên cạnh nước ngọt, hãy bổ sung thêm những loại thức uống khác trong tủ lạnh nhà bạn như sữa, nước ép trái cây tươi,…
Quá nhiều thịt cá
Thịt cá theo một cách nào đó có thể nói là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta. Bởi thịt cá chứa nhiều đạm, protein và những dưỡng chất rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nếu sử dụng thịt cá một cách lạm dụng, quá nhiều, hoặc quá mức quy định bạn có thể sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe trong số đó có vấn đề về xương. Cung cấp quá nhiều đạm cũng làm tăng quá trình đào thải canxi, một trong những nguyên nhân gây còi xương, nhất là ở trẻ nhỏ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên sử dụng thịt cá với khoảng 30% lượng thực phẩm cần cung cấp,70% nên dành cho rau, trái cây và những thực phẩm mang tính kiềm khác.
Thực phẩm nhiều muối
Thực phẩm nhiều muối có thể làm mất canxi qua nước tiểu để giải phóng muối dư thừa. Vì một phần lượng canxi này bắt nguồn từ xương, về lâu dài nó có thể dẫn tới yếu xương hoặc loãng xương. Với mỗi 2300 miligram muối nạp vào cơ thể, bạn sẽ mất đi 40 miligram
Canxi.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng châu Á Thái Bình Dương vào năm 2016 cho thấy những người có thói quen ăn mặn dễ bị loãng xương hơn. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 5g muối/ngày, tuy nhiên số lượng tiêu thụ thực tế của hầu hết mọi người là 9,4g muối/ngày – gần gấp đôi so với khuyến cáo. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu giảm hấp thu muối từ 10 xuống 5gm/ngày sẽ có tác động tương tự lên sức khỏe xương giống như tăng cường hấp thu 1.000mg canxi/ngày.
Đồ uống có cồn
Các loại đồ uống có cồn sẽ ngăn chặn canxi, ngăn ngừa sự hấp thụ canxi trong thực phẩm được đưa vào cơ thể chúng ta từ đó làm giảm đi một phần sự phát triển cũng như khỏe mạnh của xương. Việc lạm dụng rượu bia nhiều còn gây ngăn cản chức năng hoạt động của nguyên bào xương, đây là một tế bào giúp nuôi dưỡng và tái tạo xương. Chính vì vậy, uống các loại chất kích thích có cồn không những khiến xương yếu đi mà còn khó lành nếu bị gãy.
Hãy giới hạn lượng đồ uống có cồn sử dụng trong ngày bất kể là bia, rượu vang, hay rượu mạnh. Đồ uống có cồn, chất kích thích đưa vào cơ thể không chỉ làm trầm trọng các bệnh về khớp mà nó còn gây nguy cơ mắc rất nhiều loại bệnh khác như ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, suy giảm chức năng gan, mắc các bệnh ung thư…
Vitamin A
Vitamin A có nhiều trong nhiều loại thực phẩm như trứng, bơ, sữa béo, gan và trong các loại thực phẩm bổ sung vitamin. Đây là loại vitamin quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, phân tích chế độ dinh dưỡng hàng ngày của phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, đặc biệt là phụ nữ sau sinh cho thấy những người hấp thụ lượng vitamin A cao hơn 5.000 IU một ngày có tỷ lệ bị gẫy xương cao gấp đôi những phụ nữ chỉ hấp thụ ít hơn 1.600 IU mỗi ngày. Do vậy, nên lựa chọn sử dụng các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo, hạn chế ăn lòng đỏ trứng vì hầu hết lượng vitamin A có trong trứng đều tập trung tại lòng đỏ.
Thực phẩm đóng hộp
Không chỉ là “kẻ thù” của hệ tim mạch, thực phẩm đóng hộp hay chế biến sẵn còn mang đến nhiều nguy hiểm cho xương khớp. Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, hàm lượng muối và axit béo omega-6 là thành phần quan trọng của thực phẩm đóng hộp. Trong khi đó, quá nhiều muối và axit béo omega-6 là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra thoái hóa khớp.
Những món ăn đóng hộp cũng như chế biến sẵn: gà rán, cá hộp, xúc xích… vừa ít dinh dưỡng lại không tốt cho hệ xương khớp.
Dầu hydro hóa
Dầu thực vật khi đã hydro hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến xương chúng ta rất cao. Vì dầu thực vật hydro hóa có thể làm phá hủy lượng vitamin K có trong cơ thể, vitamin K là một trong những vitamin rất cần thiết để xương chắc khỏe và hoạt động dẻo dai. Vì vậy nếu sử dụng dầu hydro hóa chúng ta nên xem kỹ để có thể sử dụng hiệu quả và ít gây ảnh hưởng đến xương nhất.
Ăn kiêng quá mức
Việc áp dụng một chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt, có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất cần thiết nuôi dưỡng cơ thể, từ đó làm ảnh hưởng tới hệ xương, thiếu khả năng hấp thụ canxi.
Theo các chuyên gia y tế, để có hệ xương chắc khỏe cần xây dựng và bồi bổ trong suốt một quãng thời gian dài, thậm chí là cả cuộc đời. Nếu chúng ta không biết chú trọng vấn đề này thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Một khi bị mắc bệnh về xương khớp sẽ rất khó chữa, chất lượng sống và tuổi thọ đều giảm.
Minh Anh