Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 – Chuyên đề Quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Báo cáo dẫn nguồn Công văn số 1579/UBND-ĐT ngày 28/4/2020 của UBND TP.Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội đang thực hiện thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo chủ trương đổi mới công nghệ, cơ giới hóa trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực nội thành là nơi có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và ý thức cộng đồng phù hợp.
Với chủ trương này, TP.Hà Nội đạt tỉ lệ chôn lấp CTRSH là 89%, tỉ lệ đốt (không phát điện) là 11%. Tuy nhiên, công nghệ tái chế phân compost ứng dụng tại khu xử lý Cầu Diễn và Kiêu Kỵ không đạt hiệu quả do hạn chế đầu ra, hiện cả hai cơ sở đều đã dừng hoạt động.
Từ quý I/2017, Hà Nội thực hiện chủ trương đấu thầu tập trung vệ sinh môi trường. Đến nay trên địa bàn thành phố có 20 đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Trong đó, Công ty môi trường đô thị Hà Nội trúng thầu vận hành xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn với công suất xử lý trung bình tương ứng là 5000 – 5.200 tấn/ngày và khu Xuân Sơn là 1.400 – 1.500 tấn/ngày.
Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn nhìn từ trên cao
Thống kê mới đây cho thấy, Hà Nội đã thực hiện đầu tư và vận hành các nhà máy xử lý đốt rác theo quy hoạch xử lý chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây do Công ty Cổ phần Thăng Long đầu tư với công suất 700 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý chất thải tại Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) của Hợp tác xã Thành Công với công suất 150 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang tại Phương Đình (huyện Đan Phượng) với công suất 200 tấn/ ngày đêm; Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Cổ phần đầu tư Thành Quang tại Việt Hùng (huyện Đông Anh) theo công nghệ plasma với công suất 500 tấn/ngày đêm (chưa hoạt động).
Các nhà máy qua thời gian vận hành đã bộc lộ một số nhược điểm: Việc lựa chọn công nghệ chưa hợp lý, qua thời gian sử dụng bị xuống cấp, không đảm bảo công suất thiết kế, phải dừng thực hiện để bảo trì, sửa chữa nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu xử lý rác của thành phố.
“Hiện UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp một số nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại (đốt hoặc khí hóa) thu hồi năng lượng để phát điện tại các khu xử lý chính tại Nam Sơn, Sóc Sơn và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì; phấn đấu cuối 2020 có thể đưa vào vận hành thử nghiệm nhà máy đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày tại Khu Liên hợp xử lý Nam Sơn ”- báo cáo cho hay.
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng hiện tại, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, Nam Từ Liêm.
Theo báo cáo hồi tháng 1/2020 của UBND TP.Hà Nội, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn của TP.Hà Nội đạt xấp xỉ 100% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.
Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày, đêm; được tiếp nhận, xử lý hằng ngày khoảng 6.500 tấn, tập trung tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Nhìn tổng thể, cái khó trong bài toán xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của Hà Nội là toàn thành phố chỉ có hai Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, lượng rác thải đã vượt quá công suất tiếp nhận, công nghệ xử lý lại chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.
Chính vì công nghệ xử lý chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh, cộng thêm việc quá tải nghiêm trọng của hai khu xử lý càng làm trầm trọng thêm tình trạng “khủng hoảng” rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội.
Quốc Lợi