Trong quá trình phát triển, hoạt động du lịch tất yếu có những tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên. Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng phát triển bền vững.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường trong lĩnh vực du lịch nói riêng, đã được các cấp, ngành trong cả nước triển khai đồng bộ, quyết liệt, góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, đơn vị kinh doanh và cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch.
Các hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường
Theo Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Năm 2018, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh nhất và là điểm nhấn của du lịch thế giới. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 85 triệu khách nội địa.
Du lịch phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng giá trị tổng sản phẩm quốc dân, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động, tăng thu nhập đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện giao lưu văn hoá và hội nhập với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch cũng gây những tác động không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam nói chung và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong con mắt khách du lịch trong nước và quốc tế. Vấn đề về chất thải, nước thải phát sinh trong lĩnh vực du lịch chưa được thu gom và xử lý kịp thời theo quy định. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được thực hiện đồng bộ, hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên tại các khu, điểm du lịch. Nước thải từ các cơ sở du lịch vẫn còn tình trạng chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Đáng chú ý, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch mới chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế trước mắt đã khai thác nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu du khách một cách không hợp lý, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các phương tiện khai thác quá mức các nguồn tài nguyên như rạn san hô, hải sản… dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi hải sản, suy giảm đa dạng sinh học. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày 3 một gia tăng trong những năm qua cũng làm giảm sự hấp dẫn của các điểm đến của du lịch Việt Nam.
Do đó, đầu tháng 11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Tổng cục Du lịch thực hiện nhiệm vụ “Tổ chức phát động bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch” nhằm xây dựng ý thức, nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành, cho tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cộng đồng hướng đến một môi trường xanh – sạch – đẹp cho các điểm du lịch.
Theo đó, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức lễ phát động bảo vệ môi trường tập trung tại bãi biển Nha Trang; Tổ chức thu gom, làm vệ sinh khu vực bãi biển Nha Trang với sự tham dự của đại biểu, cộng đồng dân cư địa phương, học sinh – sinh viên và đại diện các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Tổ chức diễu hành, cổ động bằng xe máy, xe đạp có gắn cờ đuôi nheo tuyên truyền bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch (trong vòng 07 ngày trước, trong và sau lễ phát động). Đồng thời tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, báo đài địa phương về phát động bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch…
Thời gian tới, hy vọng bằng những hành động cụ thể, hiệu quả, sẽ có thêm nhiều địa phương cũng như đơn vị làm du lịch xây dựng chương trình phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng phát triển bền vững.
Trọng Nhân