Các nước xử phạt người vi phạm lệnh cách ly xã hội như thế nào?

Lê An (t/h)|07/04/2020 07:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mục đích chung của “lệnh ở nhà” đều là hạn chế việc người dân ra ngoài khi không thiết yếu, phòng chống dịch Covid-19 lây lan. Ở nhiều nước người vi phạm quy định này có thể phải ngồi tù và đóng hàng trăm USD tiền phạt.

Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, quy định về vấn đề này thường là mức phạt từ hàng trăm đến hàng nghìn USD. Cá nhân vi phạm nghiêm trọng có thể đối mặt với án tù.

Tại Mỹ, hình phạt cho các hành vi tụ tập nơi cộng cộng, vi phạm quy định cách ly cũng thay đổi theo từng bang.

Theo Bloomberg, Thống đốc bang Maryland Larry Hogan cho biết bất cứ ai vi phạm các quy định về dịch bệnh có thể bị quy vào hành vi vi phạm ít nghiêm trọng và bị phạt đến 5.000 USD (118 triệu đồng) và mức phạt tù đến 1 năm.

Mỹ đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Ảnh: The Hill.

Tại thành phố New York, theo Thị trưởng Bill de Blasio, người dân vi phạm các quy định về cách ly xã hội chịu mức phạt 250-500 USD (6-12 triệu đồng).

Ở bang Yucantan, Mexico, người có các triệu chứng ho, sốt, khó thở hoặc đã được xác định nhiễm Covid-19 mà không tự cách ly khỏi cộng đồng sẽ bị phạt tù đến 3 năm.

Tại Australia, bất cứ ai không tuân thủ các quy định về tự cách ly, hạn chế tập trung, kể cả người nước ngoài sẽ đối mặt với mức phạt lên đến 980 USD (khoảng 23 triệu đồng). Tại một số vùng của nước này có thể còn kèm theo án phạt tù.

Châu Á

Hàn Quốc đã tăng nặng các chế tài liên quan đến hoạt động cách ly và giãn cách xã hội khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát tại thành phố Daegu. Người trong diện phải cách ly và không tuân thủ có thể bị phạt đến 8.100 USD (191 triệu đồng) và phạt tù đến 1 năm. Người nước ngoài vi phạm các quy định về phòng chống dịch sẽ bị trục xuất ngay lập tức và có thể bị cấm quay trở lại Hàn Quốc.

Quốc gia này cũng nới thời hạn cách ly toàn xã hội đến ngày 19/4. Trong đó có hạn chế và đình chỉ toàn bộ các hoạt động tôn giáo, vui chơi, thể thao cả trong, ngoài nhà và các sự kiện xã hội.

Hong Kong, Bloomberg cho hay chính quyền Hong Kong đã phát ra lời cảnh báo đến toàn dân, yêu cầu tuân thủ các quy định hạn chế tập trung và cách ly xã hội nếu không sẽ đối mặt với xử lý hình sự. Chính quyền tại đây quyết định xử phạt các cá nhân không tuân thủ số tiền đến 3.200 USD (khoảng 76 triệu đồng), hoặc phạt tù đến 6 tháng.

“Chính quyền sẽ xử lý hình sự các trường hợp này”, đặc khu trưởng Hong Kong nói và cho biết đây không phải lúc có thể lơ là các biện pháp bảo vệ. Bà cũng nhấn mạnh sẽ “không khoan nhượng” đối với người vi phạm.

Tại Đảo quốc sư tử Singapore, Bộ Y tế nước này cũng ra quy định “không rời khỏi nhà” và cách ly toàn xã hội khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mức phạt cho hành vi liên quan có thể lên đến 7.000 USD (165 triệu đồng) hoặc phạt tù đến 6 tháng.

Hình ảnh người dân xếp hàng trật tự và thực hiện khoảng cách an toàn, trước khi vào trung tâm thương mại White Sands ở Pasir Ris, ngày 27/3. Ảnh: ST File.

Tại Malaysia, người nào không tuân thủ lệnh hạn chế đi lại sẽ bị phạt tối đa 1.000 Ringgit hoặc 6 tháng tù. Ngày 23/3, một thợ cơ khí đã trở thành người đầu tiên bị phạt vì cản trở cảnh sát trong lúc thực thi lệnh hạn chế di chuyển. Người này đã bị phạt 5.000 Ringgit, thay thế cho hình phạt 10 tháng tù.

Châu Âu

Ngày 9/3, Italy là nước đầu tiên tại châu Âu áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn cản sự lây lan của Covid-19. Theo The Local, người dân được yêu cầu ở trong nhà và tránh đi lại khi không cần thiết. Việc đi lại chỉ được phép khi mua thức ăn, tập thể dục, trường hợp khẩn cấp, vì lý do y tế, hoặc trong trường hợp có thể được chứng thực là gấp gáp… Người nào vi phạm sẽ đối mặt mức phạt ba tháng tù và hơn 200 Euro.

Tương tự, người dân tại Tây Ban Nha chỉ được phép rời nhà khi có việc thiết yếu và phải chứng minh được đích đến. Người vi phạm có thể bị phạt ít nhất 100 Euro với vi phạm ít nghiêm trọng hoặc tối đa một năm tù nếu “chống đối người thi hành công vụ”.

Đường phố Tây Ban Nha vắng vẻ sau khi quốc gia này áp dụng lệnh “cách ly toàn xã hội”.

Tại Anh, cảnh sát được giao nhiệm vụ phát hiện và xử phạt ngay đối với các trường hợp tập trung bên ngoài nhà từ 2 người trở lên mà không có lý do chính đáng. Mức phạt sẽ tăng dần tùy theo mức độ và việc tái phạm. Người ra ngoài không có lý do sẽ bị phạt 37 USD cho lần đầu tiên, tái phạm và vi phạm ở mức nặng hơn sẽ bị phạt gần 1.200 USD (khoảng 28 triệu đồng).

Theo trang tin Quartz, Italy bắt đầu áp dụng hình thức phong tỏa bằng các hoạt động cấm người dân ra đường khi không cần thiết trước việc dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Theo đó, chỉ có siêu thị, ngân hàng, cửa hàng thuốc và bưu điện được mở cửa.

Bất cứ ai ra ngoài cũng phải mang theo giấy xác nhận, chứng minh mục đích ra khỏi nhà phù hợp, điểm đến và nơi xuất phát. Nếu bị phát hiện vi phạm, mức phạt là khoảng 215 USD (khoảng 5 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu.

Lê An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các nước xử phạt người vi phạm lệnh cách ly xã hội như thế nào?