Các quốc gia huy động 12 tỷ USD bảo vệ các rạn san hô trước nguy cơ ô nhiễm môi trường

Từ Mẫn|05/10/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các quốc gia thành viên Sáng kiến Rạn san hô quốc tế (ICRI) thông báo sẽ huy động 12 tỷ USD phục vụ việc bảo vệ các rạn san hô trước các nguy cơ như ô nhiễm môi trường và đánh bắt thủy sản quá mức.

ICRI do liên minh các nước Australia, Pháp, Nhật Bản, Jamaica, Philippines, Thụy Điển, Anh và Mỹ đưa ra năm 1994. Hiện sáng kiến này có 45 nước thành viên, tham gia quản lý 3/4 diện tích các rạn san hô trên thế giới.

ICRI cho biết sẽ huy động nguồn quỹ từ lĩnh vực đầu tư công và tư nhân để hỗ trợ bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái san hô, nơi là môi trường sống của 1/4 loài sinh vật biển và của hơn 1 tỷ người trên Trái đất.

sho-1696390556.jpg
ICRI sẽ huy động nguồn quỹ để hỗ trợ bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái san hô.

Mục tiêu của ICRI là "đảm bảo tương lai" cho diện tích 125.000 km2 rạn san hô nhiệt đới vùng nước nông và tăng gấp đôi diện tích san hô được bảo vệ hiệu quả vào cuối thập kỷ này. Tổ chức này cũng cam kết sẽ gia tăng sự phục hồi các rạn san hô bị hư hại bằng các giải pháp sáng tạo mới.

Hiện tại, các rạn san hô đang chịu áp lực ngày càng tăng do tình trạng ô nhiễm biển gia tăng, sự phát triển khu vực duyên hải và tần suất hoạt động gia tăng của các đội tàu đánh cá. Không chỉ vậy, các rạn san hô cũng đang phải chịu đựng nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô bị "tẩy trắng".

Các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu, đặc biệt tình trạng nhiệt độ nước biển tăng cao mang lại rủi ro lớn hơn đối với công tác bảo tồn các rạn san hô.

Bà Marian Wong, giảng viên cao cấp tại Trường Khoa học Trái Đất, khí quyển và sự sống tại Đại học Wollongong của Australia, đánh giá việc có thêm có thêm nguồn tài trợ để bảo vệ và phục hồi san hộ là một thông tin đáng mừng, nhưng nhiệt độ tăng cao vẫn là nguy cơ lớn đối với sự sống của các rạn san hô, đặc biệt khi hiện tượng El Nino hoành hành và nhiệt độ tăng cao hơn.

Trong khi đó, nhà sinh thái biển tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia) David Booth lại cảnh báo việc phục hồi các rạn san hô không phải là giải pháp tối ưu và vô cùng tốn kém nếu triển khai trên diện rộng.

Do đó, các quốc gia thành viên ICRI nên tập trung trực tiếp vào việc giảm phát thải khí nhà kính, nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các quốc gia huy động 12 tỷ USD bảo vệ các rạn san hô trước nguy cơ ô nhiễm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.