Cách giữ ấm cơ thể trong mùa đông

Minh Phúc|21/12/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mùa đông, không khí lạnh tác động khiến cơ thể dễ gặp các vấn đề bất ổn. Vì vậy, để giữ ấm cơ thể, tăng cường sức đề kháng và khỏe mạnh trong những ngày lạnh giá, mọi người nên áp dụng các biện pháp dưới đây.

Mặc quần áo đủ ấm

Việc mặc quần áo để giữ ấm cho cơ thể là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất. Song, không có nghĩa chúng ta phải mặc nhiều quần áo dày, mà nên mặc quần áo mỏng, nhiều lớp, để gió lạnh không thể luồn vào cơ thể. Đặc biệt lưu ý không được mặc phong phanh khi trời lạnh bởi điều này có thể khiến bạn dễ viêm phổi và đột quỵ.

Đối với trẻ em, mặc quần áo nhiều lớp những phải mỏng, dễ cởi để khi trẻ toát mồ hơi do chơi đùa, hoặc nằm ngủ. Mồ hôi của trẻ nếu không kịp lau có thể thấm ngược trở lại cơ thể gây các bệnh đường hô hấp.

mua-dong.jpg
Ảnh minh họa

Đặc biệt giữ ấm vùng mũi - cổ - ngực, đây là nguyên tắc đầu tiên để ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nhất là mũi - cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên do nằm ở vị trí "cửa ngõ" tiếp xúc và đón không khí vào cơ thể. Nếu không khí lạnh, khô đột ngột được hít vào sẽ ảnh hưởng tới mũi, khiến cho niêm mạc mũi vốn đã mỏng sẽ dễ bị tổn thương gây viêm, đau mũi.

Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng


Việc đảm bảo dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng giúp giữ ấm cơ thể hiệu quả. Lượng thực phẩm cung cấp sẽ giúp cho quá trình đốt cháy calo được diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện sinh nhiệt liên tục cho cơ thể.

Ngoài ra, việc uống đầy đủ nước cũng giúp cân bằng độ ẩm và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Chính vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đến quần áo mặc bên ngoài để giữ ấm, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe từ bên trong bằng cách ăn uống đầy đủ và khoa học.

Không tắm lâu và hạn chế tập thể dục sáng sớm hoặc tối muộn


Tắm quá lâu, tắm nước lạnh khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp vô cùng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì thế, cần tăng nhiệt độ nước tắm, tắm trong phòng kín gió và tuyệt đối không tắm quá lâu. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá thấp, nên hạn chế tắm nhiều, chỉ cần vệ sinh bằng khăn ẩm và tắm 2 ngày 1 lần là đủ.

Không nên ngồi ì một chỗ vì thời tiết lạnh mà nên thường xuyên vận động. Buổi sáng và buổi tối, có thể tập thể dục, đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Đi bộ cũng là cách tốt nhất để cải thiện lưu thông máu cho bàn chân. Việc đặt áp lực lên đôi chân khi đi bộ đã là một động tác để dồn lưu lượng máu trong các tĩnh mạch lên đôi chân.

Trong khi ngồi làm việc hoặc xem tivi, có thể gập các ngón chân lại và duỗi các ngón chân ra. Cứ lặp lại động tác này khi có thể hoặc làm ít nhất 10 phút mỗi ngày sẽ giúp chân khỏe mạnh và giảm đau. Tuy nhiên đặc biệt lưu ý, nhiệt độ ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn thường rất lạnh và có những cơn gió mạnh, gió độc. Ra ngoài trong khoảng thời gian này sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, dễ dẫn tới cảm lạnh, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, có thể gây méo miệng.

Thậm chí, một số người có sức đề kháng quá yếu, trẻ em hoặc người lớn tuổi ra khỏi nhà trong điều kiện nhiệt độ như vậy tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, thời gian tập thể dục buổi sáng sẽ muộn hơn và buổi chiều phải sớm hơn các mùa trong năm.

Không uống rượu, bia


Khi uống rượu, các mạch máu dưới da nở ra làm cho máu được phân tán ra nhiều nơi, thay vì ở trung tâm. Do đó bạn thường có cảm giác làn da và cơ thể nóng lên nhưng thực sự nhìn chung rượu làm giảm thân nhiệt.

Da người chứa nhiều thụ thể cảm giác giúp nhận biết sự thay đổi nhiệt độ. Việc máu tập trung nhiều ở da khi uống rượu gửi một loạt thông điệp tới bộ não cho biết "cơ thể đang nóng". Và cơ thể người uống rượu cho rằng nhiệt độ đang tăng lên nên bắt đầu đổ mồ hôi để giảm nhiệt. Điều này có thể gây ra một số tác hại nghiêm trọng, nhất là với những người có thể trạng yếu.

Ngâm chân bằng nước ấm


Mùa đông, thời tiết lạnh khiến các mạch máu dưới da co lại, máu lưu thông chậm... Một trong những bộ phận trên cơ thể nhạy cảm với lạnh chính là bàn chân. Vì thế, ngoài việc giữ ấm cơ thể cần phải đặc biệt chú ý chăm sóc và giữ ấm đôi bàn chân. Giữ cho đôi chân khỏe mạnh chính là cách để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông. Mỗi tối trước khi đi ngủ, nên ngâm chân vào chậu nước ấm cho chút muối ăn khoảng 10-15 phút. Nếu có điều kiện có thể dùng nước ấm pha chút tinh dầu bạc hà, hoắc hương hoặc nấu nước lá chanh, lá bạch đàn,... Ngâm chân bằng nước ấm sẽ giúp “sưởi ấm” cho cả chân và cơ thể, giúp có giấc ngủ ngon.

Chú ý, khi đi ra ngoài lạnh về, không nên hơ ngay bàn chân gần bếp lửa, lò sưởi dù là sưởi điện, không dùng túi chườm nóng, kể cả chăn sưởi ấm quá nóng. Dùng bít tất ngắn có chất liệu sợi bông, len. Nên đi giầy đế dày và có tấm lót. Nên thường xuyên thay tất, giữ vệ sinh cho đôi chân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cách giữ ấm cơ thể trong mùa đông