Cách phòng, tránh khi bất ngờ xảy ra động đất, sóng thần

Mai Hạ|29/07/2024 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Động đất thường có tính chất nguy hiểm, xảy ra bất ngờ, khó dự đoán trước, nếu trận động đất mạnh có thể xảy ra thiên tai sóng thần. Vậy phải xử trí như thế nào khi bất ngờ xảy ra động đất, sóng thần?

Sáng và trưa ngày 28/7, tại huyện huyện Kon Plông (Kon Tum) liên tiếp xảy ra 4 trận động đất với mức độ tăng dần khiến người dân tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cảm nhận rõ sự rung lắc, đồ đạc dịch chuyển. Vậy phải xử trí như thế nào khi bất ngờ xảy ra động đất, sóng thần?

Nguyên nhân gây ra động đất và cách ứng phó

Động đất là sự rung động của mặt đất, được tạo ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các khối địa chất trong lòng đất, các vụ nổ núi lửa, các vụ trượt lở đất, sụp đổ hang động…

Có 3 nhóm nguyên nhân gây ra các trận động đất, gồm: Do hiện tượng sụt lở các lỗ rỗng trong vỏ quả đất; do núi lửa phun trào và do các vận động bên trong trái đất làm tích tụ năng lượng tại vùng phát sinh động đất và được gọi là động đất kiến tạo. Trên 90% các trận động đất quan trắc được đều thuộc loại động đất kiến tạo.

Về độ lớn của động đất M hay còn gọi là độ Richter thường từ 1 đến 9 trong đó mức độ từ 1 – 2 là không nhận biết được; từ 2 - 4: có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại; từ 4 - 5: mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể; từ 5 - 6: nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt; từ 6 - 7: nhà cửa bị hư hại nhẹ;

Từ 7 - 8: động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất; từ 8 - 9: nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng.

Lớn hơn 9: rất hiếm khi xảy ra và những trận động đất có M > 7 không xảy ra khắp mọi nơi mà thường tập trung ở những vùng nhất định, gọi là đới hoạt động địa chấn mạnh.

29-d-dat.png
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát sau động đất tại Đài Loan (Trung Quốc) ngày 3/4/2024. Ảnh minh họa

Để ứng phó với động đất, trước khi xảy ra động đất nên dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, bông băng, thuốc chữa bệnh thông thường, thay đổi khi hết hạn sử dụng; không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao; không đặt giường ngủ sát cửa kính; những vật dụng trong nhà dễ ngã đổ, rơi xuống, nên được gắn chặt vào tường nhà để khi lung lay cũng không rơi xuống đất gây thương tích;

Các đồ đạc nặng như kệ sách, tủ, chén bát…. nên đặt xa khỏi các cửa ra vào, các nơi thường lui tới để khi ngã đổ vẫn không chắn lối ra và nên gắn chặt vào tường nhà;

Những người sống ở chung cư nắm vững lối thoát hiểm và theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Khi xảy ra động đất

Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, ngay lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở. Nếu không có gầm bàn thì chạy đến góc phòng mà đứng và giữ nguyên vị trị ở đó, cúi xuống nhiều nhất có thể. Nên nhớ là phải tránh xa các nơi có cửa kính và không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động do động đất gây ra. Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi phòng, nhà nếu cần;

Nếu bạn đang ngủ, hãy ở yên trên giường, bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Chui xuống gầm giường hoặc di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng, khi hết rung lắc thì đi ra ngoài.

Khi di chuyển ra khỏi nhà cao tầng không chạy vào thang máy đề phòng mất điện bất ngờ, đồng thời lấy các vật che trên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu;

Nếu bạn đang ở trong thang máy mà vẫn còn nguồn điện để hoạt động thì nhanh chóng thoát khỏi thang máy, ở yên trong tòa nhà hoặc thoát khỏi tòa nhà bằng cầu thang bộ.

Trong trường hợp đang ở trong thang máy mà mất điện thì lập tức nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi đến khi thang máy hoạt động trở lại hoặc hết rung lắc thì gọi trợ giúp, sử dụng thang bộ khi ra khỏi thang máy.

Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì phải lánh nạn ở những bãi đất trống, chạy tránh xa các tòa nhà cao ốc, tường cao, cây to và đường dây điện để tránh sập đổ;

Nếu động đất xảy ra khi đang lái xe thì tìm một địa điểm an toàn để dừng lại, tốt nhất là tấp xe vào lề đường. Tránh các đường dây điện và tòa nhà cao tầng. Không cố chui qua hoặc vượt cầu, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại

Nếu bị mắc kẹt trong đống đổ nát thì phải giữ bình tĩnh và không nên di chuyển. Bảo vệ mũi, miệng bằng áo hoặc khăn. Tuyệt đối không dùng bật lửa hoặc diêm để soi sáng và không la hét khi khói bụi vẫn còn. Cố gắng báo hiệu vị trí bị kẹt bằng còi hoặc gõ, đập mạnh vào các tấm hoặc ống kim loại ở gần đó.

Sau chấn động đầu tiên thường có thời gian yên tĩnh, sau đó mới có chấn động mới, do đó không nên hoảng sợ. Chấn động mới có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ thậm chí sau vài ngày tùy thuộc động đất mạnh hay yếu. Vì vậy việc bạn đang ở đâu khi động đất xảy ra sẽ quyết định đến những điều bạn cần làm.

Nếu động đất xảy ra khi đang ở gần bờ biển thì phải đề phòng sóng thần do động đất xảy ra ở đáy biển.

Khi nào thì xảy ra sóng thần

Sóng thần là sóng biển có chu kỳ dài, lan truyền với tốc độ lớn. Khi tới gần bờ tùy độ sâu của biển và địa hình vùng bờ, sóng thần có thể đạt độ cao hàng chục mét, tràn sâu vào đất liền gây thảm họa lớn.

Nguyên nhân sinh ra sóng thần, theo các nhà khoa học, là do hệ quả của động đất ở vùng đáy đại dương sinh ra.

Tùy vào 2 khoảng cách tác động tính từ nguồn phát sinh, sóng thần được chia thành sóng thần địa phương (sóng thần gần) và sóng thần xa. Cụ thể sóng thần gần hay sóng thần địa phương biểu hiện dưới dạng sóng lớn trên mặt biển và tàn phá những bờ biển gần còn sóng thần xa là sóng thần truyền xuyên qua đại dương với tốc độ lớn. Tuy nhiên, các trận sóng thần mang tính chất địa phương là rất nguy hiểm, vì có thể tấn công vào đất liền chỉ sau 10 phút. Khoảng thời gian đó là quá ngắn để có thể phát tín hiệu cảnh báo kịp thời.

Còn đối với các trận sóng thần ở ngoài khơi xa, nhờ hệ thống các trạm đo và các trung tâm cảnh báo sóng thần, có thể tính toán và cảnh báo thời điểm đổ bộ của sóng thần vào bờ.

Theo bản đồ phân bố các vùng phát sinh động đất trên lãnh thổ Việt Nam thì vùng biển nước ta động đất có thể xảy ra chỉ lớn đến 6 độ Richter ( có thể đến 6,2 độ Richter), nên khả năng xảy ra sóng thần mạnh trong vùng biển nước ta là rất nhỏ). Nếu sóng thần do động đất mạnh đến 6,2 độ Richter thì theo một số tính toán theo các công thức nghiệm thì biên độ sóng thần vùng ven biển nước ta cũng nhỏ ( khoảng 0,65 mét), đỉnh sóng chưa cao hơn mặt đất. Như vậy độ nguy hiểm sóng thần địa phương xảy ra trong vùng biển nước ta có thể coi rất nhỏ nhưng hoàn toàn không được chủ quan.

Các giải pháp ứng phó với sóng thần

Khi đang ở trên tàu thuyền trên biển, ven biển mà nhận được tin cảnh báo sóng thần thì không nên cho tàu thuyền trở về cảng, mà nên di chuyển tàu thuyền đến những vùng nước sâu ít nhất là trên 150m, vì sóng thần có thể gây ra sự thay đổi nhanh chóng mực nước biển và tạo ra những dòng chảy nguy hiểm ở cảng và bến tàu;

Khi tàu thuyền còn neo đậu trong bờ mà nhận được tin cảnh báo sóng thần thì chủ tàu thuyền có thể đưa tàu thuyền của mình ra biển nếu có đủ thời gian và được sự thông báo của chính quyền, cơ quan chức năng;

Không được ở lại trên tàu thuyền neo đậu tại bến cảng vì sóng thần có mức phá hoại rất lớn.

Khi đang ở khu vực bãi biển mà nhận được tin sóng thần thì phải ngay lập tức chạy đến nơi an toàn ở các bãi đất cao hoặc xa bờ biển từ 500m trở lên;

Còn đang ở nơi đông người mà nhận được tin sóng thần phải ngay lập tức báo với những người khác cùng chạy đến nơi an toàn ở các bãi đất cao hoặc xa bờ biển từ 500m trở lên, đặc biệt là giúp đỡ trẻ em, người già, phụ nữ có thai đi sơ tán;

Trong trường hợp đang ở trong nhà trệt, nhà thấp tầng, trong phạm vi dưới 500m so với bờ biển mà nhận được tin sóng thần thì phải sơ tán vào sâu trên đất liền, chỉ mang theo các vật dụng, tài sản, giấy tờ quan trọng khi sơ tán. Nếu đang ở trong nhà cao tầng thì phải di chuyển lên các tầng cao, không ở lại tầng 1 cho đến tầng 3; mở trống các cửa ở các tầng thấp để hạn chế sự tác động của sóng.

Nếu đang đi trên đường thì tuyệt đối không được đi ra hướng bờ biển.

Khi sóng thần sắp tiến vào bờ mực nước biển có thể dâng cao hay hạ xuống khá nhanh dọc bờ biển, vậy nên không được lội xuống nước để nhặt những thứ trên bờ biển khi nước rút và chụp ảnh.

Di tản khỏi vùng nguy hiểm theo biển hướng dẫn hoặc theo tổ chức chức của chính quyền địa phương khi nhận được cảnh báo sóng thần. Không quay trở lại bờ biển ngay sau khi vừa hết đợt sóng đầu tiên. Theo dõi thông tin, chờ nhận được tin cuối cùng về sóng thần hãy trở về.

Chúng ta đều biết ngay cả khi dự báo chính xác về tai họa sẽ xảy ra song những tai họa thiên nhiên như động đất, sóng thần,.. chúng ta không thể loại trừ được mà chỉ có thể giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất, nếu có sự chuẩn bị đương đầu với chúng. Điều quan trọng là phải bình tĩnh không hoang mang lo sợ khi có sự cố xảy ra. Trên đây là một số biện pháp mọi người cần nắm vững để ứng phó với thiên tai động đất, sóng thần.

Bài liên quan
  • Kon Tum xảy ra 4 trận động đất liên tiếp
    Sáng nay (28/7), 4 trận động đất có độ lớn lần lượt 3.4, 3.3, 4.1 và 5.0 đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum gây rung lắc, người dân sống ở gần khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cách phòng, tránh khi bất ngờ xảy ra động đất, sóng thần