Cách tính tiền nước sinh hoạt như thế nào theo quy định mới nhất?

PV|24/11/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Giá tiền nước sinh hoạt sẽ được quy định khác nhau tùy thuộc vào từng địa phương. Cách tính tiền nước sinh hoạt như thế nào để chính xác là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Hướng dẫn tính tiền nước sinh hoạt hàng tháng

Theo Thông tư 44/2021/TT-BTC quy định khung giá nước sinh hoạt như sau:

Đối với đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có giá tối thiểu là 3.500 (đồng/m3), giá tối đa là 18.000(đồng/m3); Đối với đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 có giá tối thiểu là 3.000 (đồng/m3), giá tối đa là 15.000 (đồng/m3); Đối với khu vực nông thôn: Giá tối thiểu là 2.000 (đồng/m3), giá tối đa là 11.000 (đồng/m3).

Khung giá nước sinh hoạt nêu trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, áp dụng cho mức giá bán lẻ nước sạch bình quân do UBND cấp tỉnh quyết định.

Đơn cử, đơn giá nước sinh hoạt năm 2023 tại TPHCM được thực hiện theo Quyết định 25/2019/QĐ-UBND về giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố lộ trình 2019-2022 như sau:

gia-nuoc.png

Trong đó, giá nước sinh hoạt năm 2023 sẽ chia theo định mức sử dụng nước, với các mức giá và mức thuế nêu trên.

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt
Tại Nghị định 53/2020/NĐ-CP, quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.

Số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau:

Số phí phải nộp (đồng) = Số lượng nước sạch sử dụng (m3) x Giá bán nước sạch (đồng/m3) x Mức thu phí

Trong đó:

- Số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí. Trường hợp tự khai thác nước, số lượng nước sạch sử dụng xác định căn cứ vào quy mô hoạt động, kinh doanh, dịch vụ hoặc giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất do tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.

- Giá bán nước sạch là giá bán nước (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) của tổ chức cung cấp nước sạch áp dụng trên địa bàn.

- Mức thu phí được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 53/2020/NĐ-CP.

Đơn cử, UBND TPHCM ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-UBND về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025, cụ thể:

gia-nuoc-1.jpg

Theo đó, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải năm 2023 trên địa bàn Thành phố là 20% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (nguồn tiếp nhận là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ, đầm phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Như vậy, để tính tiền nước sinh hoạt hàng tháng thì cần xác định đơn giá nước sạch sinh hoạt và phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt.

Đơn cử, tính tiền nước sinh hoạt hàng tháng năm 2023 tại TPHCM theo giá tại bảng dưới đây:

gia-nuoc-2.png

Ví dụ, hộ cư dân sử dụng 4m3 nước sinh hoạt thì giá nước sinh hoạt là 6.700 đồng/m3, thêm tiền thuế 5% là 335 đồng/m3, nộp thêm tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (20%) là 1.340 đồng/m3, thêm khoản thuế 10% là 134 đồng thì giá cho 1 m3 nước là 8.509 đồng. Như vậy tiền nước sinh hoạt của hộ cư dân này sẽ là 34.036 đồng.

Tiết kiệm, giảm tiền nước hàng tháng hiệu quả

Để sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:

Tắt vòi nước và vặn chặt van nước khi không sử dụng: Vòi nước sau khi sử dụng nếu không được vặn chặt sẽ xảy ra hiện tượng rò rỉ. Nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ gây lãng phí nước, tăng hóa đơn tiền nước một cách chóng mặt.

Sử dụng vòi hoa sen thay thế cho vòi nước thường: Sẽ giúp tiết kiệm nước và tăng hiệu quả làm sạch hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, vòi hoa sen cũng có giá thành phải chăng và dễ lắp đặt tại các hộ gia đình.

Tái sử dụng nguồn nước đã dùng: Bạn có thể đặt cạnh chân vòi hoa sen khi tắm một chậu to để hứng nước, nước tắm này có thể tái sử dụng để dội bồn cầu, rửa sàn nhà tắm, tưới cây…Ngoài ra, bạn có thể dùng nước giặt quần áo, khăn để lau sân, rửa đồ dùng trong nhà. Cách này có thể giảm đáng kể lượng nước sinh hoạt của nhà bạn.

Tận dụng các nguồn nước khác: Bên cạnh nguồn nước máy, nước giếng, bạn cũng có thể tận dụng nguồn nước mưa miễn phí và dồi dào để tưới cây, giặt giũ hay thậm chí là tắm rửa.

Kiểm tra định kì xem hệ thống vòi nước: Theo dõi công tơ nước của gia đình sau khoảng 2 giờ không sử dụng nước, nếu số nước tăng lên một cách bất thường thì chắc chắn nước bị rò rỉ ở đâu đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách tính tiền nước sinh hoạt như thế nào theo quy định mới nhất?