Cần cơ chế để giảm thiểu ô nhiễm không khí

Minh Trang (T/h)|30/11/2019 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đang có ý kiến cho rằng chính quyền TP Hồ Chí Minh cần vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 54 vào việc sửa đổi chính sách hiện hành để quản lý tốt hơn chất lượng không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng…

Nghiên cứu về chất lượng không khí tại TPHCM do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố, nồng độ bụi (PM2.5) trung bình mỗi năm ở Hà Nội và TPHCM vào khoảng 28mg/m3. Đây là nồng độ cao gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình mỗi năm của tổ chức này (10mg/m3). Báo cáo của WHO cũng chỉ ra các tác nhân của hiện tượng thời tiết (biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính,…) dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao, nhất là vào thời điểm cuối năm ở các đô thị trên.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu được công bố bởi Viện Tài Nguyên – Môi trường thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cũng cảnh báo, tác nhân gây ô nhiễm từ xe cơ giới và phương tiện xe cá nhân (xe máy, ô tô) chiếm đến 18% nguồn phát thải bụi PM2.5; thắng/phanh xe các loại và ma sát mặt đường (14%); xả thải từ hộ gia đình (14%); hoạt động ngành dệt may (13%);…

Các chuyên gia cũng chỉ ra thực trạng gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân; khí thải từ các khu vực xử lý rác chưa đạt chuẩn; tốc độ đô thị hóa;… đã biến TP HCM trở thành “đại công trình xây dựng” của cả nước, kéo theo ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Có thời điểm Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP HCM đo được tỷ lệ bụi lơ lửng ở khu vực Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh (Q.7) đã đạt ngưỡng 847µg/m3, trong khi quy chuẩn chỉ là 300µg/m3.

Chất lượng không khí tại TPHCM ngày càng xuống cấp hơn. Ảnh: Hồng Phúc

Đề xuất cơ chế quản lý không khí sạch

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, nếu TP HCM không có các chính sách, mục tiêu cụ thể và các hành động kịp thời thì tình trạng ô nhiễm không khí sẽ còn nặng nề hơn nữa. Theo đó, ông Đồng hiến kế chính quyền thành phố cần có chính sách về phân vùng môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường; đánh giá sức chịu tải môi trường không khí, hạn ngạch xả thải; quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quyền/trách nhiệm cho địa phương/cơ sở quản lý trực tiếp; quy định về quản lý kiểm soát mùi hôi; chế tài về xử phạt hành vi gây ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM cho biết, hiện nay dù đang thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 nhưng có nhiều nội dung vẫn chưa triển khai được. Nguyên nhân đến từ việc kiểm soát chất lượng không khí hiện nay chưa được thực sự triển khai ở cấp địa phương. Về phía địa phương cũng kêu khó do chưa có hướng dẫn về quy trình và cũng mù mờ về cơ sở pháp lý để thực hiện. Cũng theo chuyên gia này, tiêu chuẩn quản lý về chất lượng không khí của Việt Nam hiện nay còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ so với các tiêu chuẩn được quy định bởi WHO về PM10, PM2.5, AQI,…

Hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí được TS Trần Ngọc Đăng cảnh báo, đang gây tác động nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Các lo ngại cũng được chỉ ra đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, với hơn 2.700 nhà máy có ống khói sinh ra khí thải và thải ra môi trường được thống kê tại TPHCM. Trong đó, tình trạng ô nhiễm vượt quy chuẩn gấp 3 lần khiến nhiều chuyên gia khuyến nghị thành phố cần có chính sách ngay lập tức cắt giảm 60-70% lượng khí thải may ra môi trường mới đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị TP HCM nên có quy định quản lý không khí sạch để cải thiện và thay thế cho những bất cập trong chính sách hiện tại chưa được sửa đổi liên quan đến quản lý chất lượng không khí.

Minh Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần cơ chế để giảm thiểu ô nhiễm không khí
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.