(Moitruong.net.vn) – Tại Hội nghị về phát triển bền vững của ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà xác định cần phải có tầm nhìn dài hạn trong ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế tại vùng ĐBSCL.
>>>Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nước là yếu tố cốt lõi trong phát triển ĐBSCL
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên đã có báo cáo về chủ đề ĐBSCL-Chuyển hóa thách thức thành cơ hội. Trong đó, nội dung báo cáo nêu ra những thách thức mang tính khu vực như: vấn đề khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn gia tăng làm giảm dòng chảy, giảm phù sa, suy giảm nguồn thủy lợi. Nhóm thách mang tính toàn cầu do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán gia tăng trong khi khả năng chống chịu còn thấp, các rủi ro thiên tai ngày càng khó lường.
Về tầm nhìn, Bộ trưởng cho biết ĐBSCL đến năm 2050 sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, độ che phủ rừng đạt trên 5% (so với 4.3% như hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn. Mạng lưới kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống giao thông, hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.Tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên”.
Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần thay đổi nhận thức vùng ĐBSCL như một thể thống nhất, có mối liên hệ chặt chẽ với các vùng lân cận và phải lấy tài nguyên nước làm yếu tố cốt lõi, là cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch, phát triển vùng. Việc chuyển đổi phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên. Ngoài ra, chuyển đổi mô hình phải đảm bảo tính ổn định, sinh kế của người dân, doanh nghiệp giữ vị trí trung tâm, nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt.
Qua đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chiến lược để thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL như: Rà soát, thực hiện đồng bộ, chính sách, chiến lược, quy hoạch. Đánh giá đầy đủ các tác động đến xã hội, sinh kế người dân, chuẩn bị tốt các điều kiện trong quá trình chuyển đổi. Đẩy mạnh vào bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính.
Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng, kết hợp phát triển du lịch. Nghiên cứu khoa học công nghệ, các giải pháp khoa học, kỹ thuật phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL. Tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo và hoàn thiện, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu tích hợp về ĐBSCL. Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế, sự hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật của các nước phát triển. Hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng. Cuối cùng, cần tăng cường công tác truyền thông để tăng cường nhận thức của người dân ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Oanh Lê