Cần quan tâm, phát huy giá trị của Bảo tàng ký ức chiến tranh Hà Nội

Thế Đoàn|27/07/2022 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp, chủ sở hữu Bảo tàng ký ức chiến tranh Hà Nội đã qua đời, để lại hơn 3.000 hiện vật là ký ức một thời chiến tranh ác liệt, gian khổ. Hiện nay, bảo tàng ngoài công lập này được vợ và các con của ông Hiệp trông giữ, bảo quản, rất cần sự quan tâm, định hướng của Nhà nước để phát huy những giá trị cho xã hội.

VIDEO: Cần quan tâm, phát huy giá trị của Bảo tàng ký ức chiến tranh Hà Nội

Trong không khí cả nước kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022), phóng viên Moitruong.net.vn đã tìm đến bảo tàng chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp. Gia đình cho biết ông Hiệp vừa qua đời năm 2021, nhưng vợ và các con của ông vẫn đang tiếp nối tâm nguyện, phát huy những giá trị của Bảo tàng ký ức chiến tranh Hà Nội (số nhà 09, ngõ 144/2 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội).

bao-tang-kien-thuc-chien-tranh-ha-noi-1.jpg
Cổng vào Bảo tàng ký ức chiến tranh Hà Nội

Từ cổng bảo tàng, dòng chữ “Bảo tàng chứng tích chiến tranh - Những hình ảnh và kỷ vật kháng chiến sống mãi cùng thời gian - Nơi đồng đội trở về” hiện lên cùng lá cờ đỏ sao vàng. Bên cạnh cổng bảo tàng là một không gian nhỏ có hình ảnh Bác Hồ được khắc họa trong kháng chiến. Bên trong bảo tàng là nơi lưu giữ hơn 3.000 hiện vật, kỷ vật chiến tranh do chính ông Nguyễn Mạnh Hiệp sưu tầm trong gần 30 năm qua.

bao-tang-kien-thuc-chien-tranh-ha-noi-2.jpg
Đường vào bảo tàng được gia đình tu sửa, vẽ tranh khắc họa thời kỳ kháng chiến

Những kỷ vật thời chiến được gìn giữ cẩn thận và lưu lại khá đầy đủ từ các loại ba lô, áo trấn thủ, mũ cối, ca đựng nước, màn, máy điện đàm... của bộ đội ta đến vỏ đạn pháo, bom mìn, dù, thùng đựng đạn, áo giáp, máy tra tấn điện... của quân đội Mỹ. Tất cả hiện vật đều sống động, khiến người xem cảm nhận phần nào "cuộc chiến không cân sức" giữa một bên là những người lính Cụ Hồ với những vũ khí hết sức thô sơ, một bên là kẻ địch hùng mạnh, được trang bị vũ khí tối tân.

bao-tang-kien-thuc-chien-tranh-ha-noi-3.jpg
Cựu chiến binh Trịnh Văn Sáng hào hứng chia sẻ về máy liên lạc của quân đội Mỹ trong chiến tranh

Cứ đến dịp tháng 7 hàng năm, những người lính già là đồng đội chiến đấu của ông Nguyễn Mạnh Hiệp lại tìm đếm bảo tàng để ôn lại kỷ niệm về một thời đánh giặc giữ nước anh hùng của dân tộc. Cựu chiến binh Trịnh Văn Sáng từng chiến đấu cùng ông Hiệp tại mặt trận Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Mỗi lần quay trở lại bảo tàng này, những người cựu chiến binh chúng tôi có nhiều xúc động, như được sống lại thời gian chiến tranh gian khổ. Ở đây, bác Hiệp đã sưu tầm, bảo quản được rất nhiều hiện vật, kỷ vật có giá trị lịch sử, thể hiện được sự khó khăn, khốc liệt của chiến tranh như các vỏ bom, vỏ máy bay, lựu đạn,… Thế hệ trẻ cần được biết, được hiểu để cảm thấy tự hào về truyền thống dân tộc và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc”.

bao-tang-kien-thuc-chien-tranh-ha-noi-4.jpg
Vỏ máy bay, vỏ bom, các loại lựu đạn,… được trưng bày trong khuôn viên

Cũng có cùng cảm xúc này, cựu chiến binh Phạm Gia Hòa cho biết: “Chúng tôi vô cùng tự hào mỗi khi đến thăm bảo tàng chiến tranh này và cảm thấy khâm phục bác Hiệp đã bỏ nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, bảo quản những kỷ vật chiến tranh. Bác Hiệp đã mất, nhưng vợ và các con vẫn đang tiếp nối, giữ gìn bảo tàng này. Chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm, giúp đỡ gia đình phát triển bảo tàng để phát huy, giáo dục cho thế hệ trẻ biết và hiểu về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, qua đó mới thấy sự giá trị của độc lập, hòa bình”.

bao-tang-kien-thuc-chien-tranh-ha-noi-5.jpg
Một số đồ vật sử dụng trong chiến tranh được trưng bày trong tủ kính

Được biết, Bảo tàng ký ức chiến tranh Hà Nội chính thức được thành lập theo Quyết định 6590/QĐ-UBND ngày 10/12/2014 của UBND TP.Hà Nội. Bảo tàng ngoài công lập này do ông Nguyễn Mạnh Hiệp làm chủ sở hữu, chịu sự quản lý của Nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội).

bao-tang-kien-thuc-chien-tranh-ha-noi-6.jpg
Những người lính già tìm đến bảo tàng để sống lại một thời chiến tranh khốc liệt

Bà Phan Thị Hồng Liên, vợ của ông Hiệp, cho biết: “Chồng tôi lập ra bảo tàng này với mong muốn là nơi lưu giữ, bảo tồn những kỷ vật của các liệt sỹ trong thời kỳ kháng chiến để lại. Cũng là nơi để những người đồng đội, những cựu chiến binh tìm đến để gặp mặt, trao đổi, ôn lại kỷ niệm tại chiến trường năm xưa. Từ trước đến nay thì gia đình tôi vẫn chủ động trong việc gìn giữ bảo tàng này, nhưng vẫn có mong muốn Nhà nước có sự quan tâm, định hướng để bảo tồn, phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử của bảo tàng. Gia đình tôi có nguyện vọng mở rộng được bảo tàng khang trang hơn để nhiều người biết và tìm đến”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần quan tâm, phát huy giá trị của Bảo tàng ký ức chiến tranh Hà Nội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.