Cần sớm đưa Nghị định 139/2017/NĐ-CP vào thực tiễn để bảo vệ cây xanh

29/03/2018 23:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Tình trạng cây xanh bị xâm hại đang diễn ra thường ngày trong cuộc sống của chúng ta mà những hành động đó chưa được xử lý triệt để, đã có luật xử phạt khi xâm hại cây xanh nhưng thực tế chưa được áp dụng vào thực tiễn. Để bảo vệ cây xanh, cần quyết liệt hơn nữa trong việc áp dụng theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP và 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ) về xử phạt vi phạm bảo vệ cây xanh đã có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.

Mặc dù đã có biển cấm nhưng người dân vẫn vô tư vi phạm

Nghị định 139/2017/NĐ-CP

Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP và 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ) về xử phạt vi phạm bảo vệ cây xanh, từ ngày 15/01/2018, tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại cây xanh có thể bị phạt tiền lên tới 30 triệu đồng. Điều 53 Nghị định này quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định; Giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; Chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa….

Ngoài ra, một trong các hành vi như sử dụng các công trình trong công viên không đúng mục đích; Làm hư hỏng các công trình văn hóa, dịch vụ, công trình công cộng trong công viên, vườn hoa; Lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định; Tổ chức, cá nhân được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị cũng sẽ bị áp dụng mức xử phạt này.

Đặc biệt, hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.

Cây xanh liên tục bị tàn phá

Biển quảng cáo vô tư treo trên cây

Nghị định đã đưa ra, tuy nhiên trong thực tế hàng ngày chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp tình trạng những hàng cây cao vút, xanh mướt hai bên đường thường bị những hộ kinh doanh treo biển buôn bán ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Hay họ vô tư đóng đinh, đục khoét lên cây để thỏa mục đích cá nhân. Có người vì thấy cây mọc cao, nhánh đâm vào ban công nhà mình hoặc áng ngữ trước nhà nên thẳng tay chặt bỏ mà không xin phép chính quyền địa phương.

Những vườn hoa công cộng như trong công viên, hai bên đường cũng bị xâm hại. Vì yêu hoa, muốn chiếm hữu làm của riêng nên có người lén nhổ hoa mang về nhà trồng hoặc hái chơi mặc dù ngay cạnh đó đã có biển ghi rõ “cấm hái hoa, tỉa cành”. Khách vào công viên chơi rồi vô tư giẫm đạp, ngồi trên hoa, cỏ; tiểu tiện bừa bãi vào gốc cây xanh, vườn hoa. Đáng lên án nhất là việc khắc tên, viết, vẽ những thông điệp yêu đương nhăng nhít lên những cây di sản hàng trăm năm tuổi.

Hay để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, tại TP.HCM đã có hàng chục cây xanh phải chặt bỏ do bị xâm hại bởi các công trình chỉnh trang vỉa hè. Một trong những địa phương có tình trạng cây xanh bị xâm hại nhiều nhất là quận 5. Chỉ trong vòng hai tuần, các đơn vị quản lý xác định có 10 cây xanh ở quận này bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều cây phải cắt tán khẩn cấp vì có thể ngã ra đường.

Mặc dù, ngay sau khi tình trạng đó xảy ra,  lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đã triệu tập cuộc họp với các đơn vị liên quan và thống nhất phương án chặt bỏ những cây có nguy cơ ngã cao trước Tết nguyên đán. Chi phí đốn hạ và trồng cây mới sẽ do đơn vị xâm hại cây chi trả. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề đó cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc xâm hại cây xanh.

Thiết nghĩ, Nghị định 139/2017/NĐ-CP được đưa ra và áp dụng từ ngày 15/01/2018. Nhưng ngay sau đó, tình trạng xâm hại cây xanh vẫn diễn ra. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay, phạt thật nghiêm đối với những người dân có hành vi vi phạm. Về phần người dân, nên chấm dứt ngay tình trạng phá hoại cây xanh để tránh bị phạt. Bảo vệ cây xanh là cách bảo vệ môi trường, tạo không gian sống sinh động, tôn vinh vẻ đẹp đô thị.

Nguyễn Thanh Vũ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần sớm đưa Nghị định 139/2017/NĐ-CP vào thực tiễn để bảo vệ cây xanh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.