Điểm sạt lở trên có chiều dài khoảng 60m, ăn sâu vào bờ khoảng 4m làm sụp tuyến đường giao thông ven sông Ô Môn. Tại hiện trường, đoạn đường bê tông rộng khoảng 3m bị đứt gãy hoàn toàn, một phần còn nằm trên bờ, phần còn lại chìm dưới sông.
Theo người dân ở khu vực Thới Trinh B, tại khu vực trên có dấu hiệu sạt lở nhiều tháng qua và đã được gia cố bằng cách đóng cừ tràm, thả bao cát… Tuy nhiên, sau trận mưa chiều 26/6, tình trạng sạt lở xuất hiện, kéo theo một đoạn đường bê tông dài khoảng 20m xuống sông. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã cho rào chắn, cảnh báo người dân đến gần khu vực sạt lở, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
Hiện trường vụ sạt lở ở khu vực Thới Trinh B, thuộc phường Thới An, quận Ô Môn, Cần Thơ.
Trên mặt đường trong khu vực sạt lở có nhiều vết nứt lớn, cảnh báo nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra. Trong ngày 27/6, các hộ dân sinh sống ở đây đã tiến hành đốn hạ cây xanh dọc theo tuyến đường, bờ sông nhằm giảm tải, hạn chế sạt lở.
Anh Trần Minh Nhật, người dân ở ngay điểm sạt lở tại khu vực Thới Trinh B, phường Thới An cho biết, sáng nay, anh đã gọi thợ đến để cưa hạ hai cây dừa trước nhà với tiền công 800.000 đồng do lo sợ sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới. Vụ sạt lở làm sụp con đường sát bờ hàng rào của nhà anh Nhật, đồng thời cũng tạo thành “hàm ếch” ăn sâu vào bờ.
“Chúng tôi mong Nhà nước sẽ sớm có giải pháp để khắc phục điểm sạt lở này, khôi phục lại con đường để người dân đi lại, buôn bán thuận tiện như trước. Hiện đường đã mất, để đi ra trung tâm quận Ô Môn phải đi vòng xa, rất bất tiện,” bà Trần Thị Hồng, 68 tuổi ở khu Thới Trinh B, phường Thới An mong muốn.
Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn quận cho biết, tuyến sông Ô Môn (phía bờ trái), đoạn đi qua phường Thới An và phường Thới Hòa với chiều dài khoảng 5 km, thường xuyên xuất hiện sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao; trong đó, có nhiều điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, nhà cửa của người dân.
Ngành chức năng TP.Cần Thơ đã lập dự án xây dựng kè và đưa vào danh mục công trình xây dựng khẩn cấp để phòng chống sạt lở.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế nên cần sự đầu tư, hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương để triển khai. Hiện chính quyền và người dân địa phương mong công trình sớm được khởi công nhằm hạn chế sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Liên quan đến tình trạng sạt lở trên sông Ô Môn, cuối tháng 5 vừa qua, Chi cục Thuỷ lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông TP.Cần Thơ) đã khởi công xây dựng tuyến kè chống sạt lở sông Ô Môn phía bờ phải, đoạn từ bến đò Rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu với chiều dài 950m. Công trình có vốn đầu tư hơn 114 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 22 tháng thi công.
Nam Anh