Ngày 18/8, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng và một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết 7 tháng năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 160,58 tỉ kWh, đây là mức tăng trưởng thấp, chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, dự báo mùa nắng nóng năm 2024-2025, phụ tải tiếp tục tăng cao, bình quân khoảng 9%/năm, tương ứng với mỗi năm chúng ta cần thêm 4.000-4.500 MW.
Đáng chú ý, các nguồn điện được tăng thêm chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi dự báo phụ tải tăng cao ở các tỉnh phía Bắc. Đây là thách thức trong cấp điện với các tỉnh, thành phố phía Bắc trong mùa nắng nóng 2 năm tới.
Đặc biệt tại khu vực miền Bắc, công suất dự phòng của hệ thống điện thấp; trong khi nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 19/5, nắng nóng gay gắt xuất hiện làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Phụ tải ngày 19/5 đạt kỷ lục mới với 918,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với cùng kỳ, công suất tiêu thụ cực đại 43.300MW, tăng 9,12% so với cùng kỳ.
Để đảm bảo cấp điện cho mùa nắng nóng các năm tiếp theo, đại diện EVN khuyến nghị khách hàng sử dụng điện thực hiện tiết kiệm điện tối đa. Mục tiêu là trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ.
Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn tới năm 2025; Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu…