Cảnh báo mưa lớn kết hợp với triều cường ở TP.HCM, nguy cơ ngập sâu ở nhiều nơi
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong những giờ qua, dông đang phát triển và gây mưa lớn kèm dông, sét trên khu vực Quận Gò Vấp, Quận 12, TP Thủ Đức,...
Dự báo trong những giờ tới, mây dông tiếp tục phát triển, gây mưa rào, kèm theo dông, sét cho các khu vực các quận, huyện trên, sau đó sẽ mở rộng sang các khu vực lân cận khác. Lượng mưa phổ biến từ 4-20mm, có nơi trên 26mm, mưa lớn có khả năng gây ngập úng cục bộ.
Ngoài ra, vào lúc 4 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h.
Theo dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Theo đó, vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau, bao gồm vùng biển TP.HCM gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, độ cao sóng 2.5-4.5m.
Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Độ cao sóng 1.5-3.0m. Trên cả hai vùng biển, thời tiết có mưa rào và dông, trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc xoáy.
Thời tiết ở TP.HCM ngày 18/9 được dự báo có mưa rào và dông nhiều nơi, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to. Đề phòng mưa lớn cục bộ khả năng ngập các khu vực trũng thấp.
Trong những ngày tới, khu vực Nam Bộ, trong đó có TP.HCM được dự báo là có mưa rào và dông nhiều nơi, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to.
Ngoài ra, theo thông tin từ Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào các ngày từ 18-9 đến 22/9. Đặc biệt trên địa bàn vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long gồm TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp, TP Cà Mau, TP Long Xuyên (An Giang)...
Tại TP.HCM, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai sẽ lên theo kỳ triều cường vào ngày Rằm tháng Tám (Âm lịch). Đỉnh triều cao nhất trong đợt này có thể xuất hiện vào ngày 20/9 đến 21/9. Cụ thể, tại trạm Phú An, Nhà Bè ở đỉnh triều ở mức 1,58-1,65m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động III 0,05m), thời gian xuất hiện từ 5-7 giờ và 17-19 giờ; tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) ở mức 1,6-1,7m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động III 0,1m; tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) ở mức 1,9-1,95m (cao hơn báo động I 0,1-0,15m).
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, đợt triều cường kết hợp mưa lớn giữa tháng 9/2024, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã đề nghị, các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng chống, ứng phó thiên tai.
Đồng thời, chủ động phòng chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn TP.HCM. Nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng chống, ứng phó.
Giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu.
Cần vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm. Đồng thời, phối hợp với Công an TP.HCM bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường kết hợp mưa lớn gây ra.
Riêng với các tuyến đường ngập do triều cường, mưa lớn đề nghị các đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn như lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng... nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng.