Nước sông Hồng lên cao có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân sống ở ven sông.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước lũ trên sông Thao đang xuống nhanh, mực nước hạ lưu sông Hồng đang lên nhanh.
Thực hiện Công điện số 07/CĐ-QG ngày 15/6/2022 của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, hồ thủy điện Hòa Bình đã mở cửa xả đáy số 5 vào 20h00 ngày 15/6, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh và có khả năng đạt mức 7,5m vào tối ngày 16/6, dưới BĐ1 2,0m, sau biến đổi chậm. Cảnh báo nguy cơ ngập lụt các vùng ven sông, bãi bồi ở khu vực hạ lưu sông Hồng, đặc biệt hạ lưu sông chảy qua thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái.
Đến cuối giờ chiều 14/6, lũ trên thượng nguồn sông Hồng tại Lào Cai đạt đỉnh là 81,86m, trên cấp báo động 1 và dưới cấp báo động 2 là 0,14m. Đây là trận lũ lớn nhất trên sông Hồng tính từ đầu mùa mưa 2022 đến nay.
Lũ lên cao bất ngờ đã gây ngập lụt vùng ven sông, làm thiệt hại nhiều diện tích rau màu của người dân. Một số công trình xây dựng hạ tầng ven sông buộc phải tạm dừng thi công, di chuyển máy móc, thiết bị để tránh lũ.
Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống dọc theo hai bên ven sông, Ủy ban Nhân dân thành phố Lào Cai đã chỉ đạo các xã, phường khuyến cáo người dân không dùng bè mảng đánh bắt cá, vớt gỗ, củi trên sông khi lũ lớn, đề phòng tai nạn có thể xảy ra.
Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai dự báo trong những ngày tới, các sông suối ở Lào Cai sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên từ 1,2-3,0m.
Đỉnh lũ trên sông Hồng tại Lào Cai ở mức 80,9m, trên báo động 1 là 0,9m; tại Bảo Hà đỉnh lũ khả năng ở mức 55,7m, trên báo động 1 là 0,7m. Vì vậy, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất trên các sườn dốc, ta-luy đường; lũ, lũ quét trên các khe, suối nhỏ trên khu vực trong tỉnh, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp trên các khu vực có mưa lớn.
Minh Hân