Cảnh báo rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng trên phạm vi rộng

Bảo Ngọc|05/06/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học Úc dự báo, cứ hai lần trong mỗi thập kỷ rạn san hô Great Barrier sẽ trải qua các đợt tẩy trắng do nhiệt độ và lần tiếp theo dự báo sẽ xảy ra trong các năm 2020 và 2050.

Tháng 3 vừa qua, rạn san hô Great Barrier ở Australia đã trải qua đợt tẩy trắng trên phạm vi rộng nhất từ trước tới nay.

Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính gây ra những tác động nặng nề đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới rạn san hô Great Barrier, trong đó đáng chú ý rạn san hô này từng bị tẩy trắng trên diện rộng trong các năm 2016 và 2017.

Giới khoa học lo ngại ngày càng ít san hô tại đây có thể phục hồi sau mỗi lần bị tẩy trắng, khi mà chỉ trong 5 năm qua hệ sinh thái đặc biệt nhất hành tinh này đã trải qua 3 đợt tẩy trắng.

Rạn san hô Great Barrier là hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới bao gồm khoảng chừng 3.000 tảng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo, kéo dài khoảng 2.600 km, bao phủ một vùng có diện tích xấp xỉ 344.400 km2 nằm ở khu vực Biển San Hô, cách bờ biển Queensland về hướng Đông Bắc Australia.

Rạn san hô Great Barrier có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian và được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. CNN từng gọi nó là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Nó được coi là biểu tượng của bang Queensland.

Tẩy trắng san hô xảy ra khi tảo sống trong san hô bị trục xuất vì stress gây ra bởi sự thay đổi nhiệt độ, biến san hô thành màu trắng và có thể chết.

Theo Công viên Hải dương rạn san hô Great Barrier Reef, cuộc khảo sát trên không đầu tiên vào năm 2017 đã phát hiện ra mức độ tẩy trắng đáng kinh ngạc ở phần trung tâm của rạn san hô này.

Theo chuyên gia Terry Hughes, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu rạn san hô (ARC) thuộc Đại học James Cook, tháng 2/2020 là tháng nóng nhất trong lịch sử kể từ khi các dữ liệu nhiệt độ được ghi nhận từ năm 1900.

ARC liên tục ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục tại hầu hết các vị trí dọc Great Barrier trong tháng 2. Không có một điểm nào được ghi nhận là mát ở phía Bắc và phía Nam của rạn san hô này.

Toàn bộ Great Barrier nóng nên san hô bị tẩy trắng trên phạm vi rộng chưa từng thấy từ trước đến nay.

Chuyên gia Hughes cho biết thêm ông gần như chắc chắn rằng rạn san hô này sẽ không thể phục hồi về trạng thái 5 năm trước đây, nên việc phục hồi về 30 năm trước càng là điều xa vời.

Ông Hughes nhấn mạnh nếu tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục diễn biến theo các xu hướng hiện nay, rạn san hô Great Barrier sẽ bị hủy hoại. Khi đó, một hệ sinh thái nhiệt đới khác thay thế nhưng sẽ không phải là một rạn san hô mà sẽ là một dạng thảm tảo biển, với nhiều bọt biển và ít san hô hơn.

Hiện tượng tẩy trắng san hô Great Barrier khiến san hô có màu trắng mờ

John Tanzer thuộc tổ Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) cho biết: “Những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta là bằng chứng rõ nhất cho thấy biến đổi khí hậu đang gây ra sự tàn phá đại dương.

“Các rạn san hô là kỳ quan thiên nhiên được yêu thích nhưng ít được đánh giá cao trong khi chúng trực tiếp hỗ trợ việc làm, sinh kế và là nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người” – ông John Tanzer cho biết thêm.

Ông kêu gọi tăng cường hành động nhằm giảm phát thải các-bon và giảm thiểu áp lực địa phương đối với các rạn san hô để những rạn san hô này có cơ hội tốt nhất chống lại biến đổi khí hậu.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), rạn Great Barrier bao phủ diện tích khoảng 348.000km2, được công nhận là Di sản thế giới năm 1981 như hệ sinh thái rạn san hô rộng lớn và đặc biệt nhất trên hành tinh.

Chính phủ Australia khẳng định, hạn chế biến đổi khí hậu là rất quan trọng đối với rạn san hô Great Barrier nhưng đây là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi một giải pháp toàn cầu và Australia đang đóng vai trò của mình.

Đối phó với mối đe dọa này, Cơ quan Công viên Hàng hải rạn san hô Great Barriercủa Australia đã tiến hành một nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu đối với rạn san hô này. Theo đó, việc giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 1,5 độ C hoặc thấp hơn tính từ thời điểm bắt đầu thời kỳ công nghiệp là rất quan trọng để duy trì các chức năng sinh thái của rạn san hô Great Barrier.

Australia hiện cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 26% lượng khí thải so với mức phát thải của nước này vào năm 2005, đồng thời đưa ra các cam kết bảo vệ môi trường như: thực hiện Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu; chi 3,5 tỷ USD cho các giải pháp giảm phát thải khí CO2, tài trợ 443,3 triệu USD cho Quỹ Rạn san hô Great Barrier để cải thiện tình trạng của rạn san hô này.

Bảo Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cảnh báo rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng trên phạm vi rộng