Cảnh báo thực trạng tài nguyên nước ở Việt Nam đang ở mức cạn kiệt

Ngọc Ánh (t/h)|02/06/2019 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn –  Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra những thực trạng đáng báo động của tài nguyên nước Việt Nam là nhiều dòng sông đã cạn kiệt tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu độc lập của WB “Việt Nam – hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” diễn ra tại Hà Nội chiều 30/5.

Tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu độc lập của WB “Việt Nam – hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” diễn ra vào chiều 30/5 đã đưa ra nhiều vấn đề về thực trạng nước tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam là một nước ở hạ lưu các sông quốc tế, thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi, bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển.

Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo 

Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào khoảng 830 tỷ m3, trong đó khoảng 63% dòng chảy có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Tính đến năm 2018, tổng lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 8.760 m3/người/năm, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 3.250 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế thiếu nước là 4.000 m3/người/năm.

Bên cạnh đó dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 – 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 – 30%, nên nhiều lưu vực sông đã ở tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.

Ông Hồng Hà cho biết, dã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận rằng chúng ta là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng Việt Nam là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước… Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả

Báo cáo của WB chỉ ra việc có nhiều bộ, ngành và luật cùng tham gia vào công tác quản lý gây khó khăn cho thực hiện quản lý tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực, cả nước mặt và nước dưới đất, cả số lượng nước và chất lượng nước; khung pháp lý đã có nhưng thực thi còn chưa hiệu quả; cơ chế xử phạt chưa đủ răn đe; thiếu đầu tư lớn cho xử lý nước thải công nghiệp và đô thị; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả làm giảm ô nhiễm nguồn nước do sử dụng phân bón, chất hóa học trong ngành nông nghiệp; ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi…

Theo dự báo trong mùa khô, tổng nhu cầu sử dụng nước của Việt Nam sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ diễn ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm. Nghiên cứu chỉ ra mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, sông Cửu Long, sông Đồng Nai – Sài Gòn, sông Thị Vải, sông Bé, sông Vàm Cỏ… tăng quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững. Trong khi đó các lưu vực này đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông lớn tại Việt Nam vào năm 2030.

Ngoài ra, báo cáo cũng đã đưa ra các khuyến nghị và các nhóm giải pháp chính mà Việt Nam cần thực hiện để giải quyết các thách thức hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước.

Bên cạnh thực trạng đáng báo động, báo cáo cũng đã đưa ra các khuyến nghị và các nhóm giải pháp chính mà Việt Nam cần thực hiện để giải quyết các thách thức hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước.

Tại hội thảo, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ, WB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam hỗ trợ việc thực hiện những khuyến nghị trong báo cáo một cách hợp lý, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, báo cáo nghiên cứu độc lập của WB là những kết quả rất quý báu đối với công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo thực trạng tài nguyên nước ở Việt Nam đang ở mức cạn kiệt