Theo Trung Tâm kiểm soát Bệnh tật TPHCM ((HCDC) từ đầu năm đến nay, ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng trên toàn TP.HCM. Tính riêng trong tuần 39, ghi nhận 640 ca bệnh, là số ca bệnh cao nhất trong tất các tuần tính từ đầu năm đến nay.
Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận huyện trong đó có 4 quận huyện ở mức độ cảnh báo. Đây là số liệu đáng báo động và chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh. Khả năng lây cao nhất là trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên virus có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau đó.
Ảnh minh họa
Bệnh dễ lây lan nhất là những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ. Hiện nay do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, là thời điểm bệnh tay chân miệng có thể bùng phát.
Triệu chứng dễ thấy nhất là trẻ sốt kèm nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục khó hạ, giật mình, chới với khi ngủ hoặc thức, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, lừ đừ, li bì hoặc không tiếp xúc, co giật, da xanh tái, thở mệt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ba mẹ thấy lo lắng… phải đưa trẻ nhập viện ngay.
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. HCDC khuyến cáo người dân phòng bệnh cho trẻ bằng ba sạch: ăn uống sạch – ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.
Nguy cơ bị nhiễm bệnh có thể giảm đi nếu chúng ta thực hiện những phương pháp vệ sinh tốt như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Hoàng Nhân