– Trong những đợt rét đậm, rét hại vừa qua tại Cao Bằng, Sở NN-PT nông thôn tỉnh cho biết, địa phương này có 257 con trâu, bò chết rét, chủ yếu là bê, nghé.
>>> Thừa Thiên Huế: Tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019
>>> Hơn 100.000 lượt khách du lịch đến Huế trong dịp tết Dương lịch 2019
Ảnh minh họa.
Trong những đợt rét đậm, rét hại vừa qua tại Cao Bằng, các huyện có số gia súc bị chết rét nhiều nhất là Hạ Lang, Nguyên Bình, Quảng Uyên. Sở NN-PT nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, khoảng 1 tháng qua địa phương này có 257 con trâu, bò chết rét, chủ yếu là bê, nghé.
Trước đó, Theo con số thống kê, tính từ đầu mùa rét (tháng 12/2018) đến ngày 3/1/2019, toàn tỉnh đã có hơn 100 con trâu, bò chết do rét; trong đó, huyện Trùng Khánh bị thiệt hại nhiều nhất với 37 con. Ông Đào Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết, ngay từ đầu mùa rét, ngành đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Tuy nhiên, nhiệt độ giảm sâu và rét kéo dài khiến một số nơi trong tỉnh xuất hiện tình trạng trâu, bò bị chết.
Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, sẽ có khoảng 5-6 đợt không khí lạnh tăng cường gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại. Cũng theo ông Đào Nguyên Phong, để hạn chế tình trạng gia súc bị chết khi thời tiết có rét đậm, rét hại… cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
“Cần thành lập các đoàn xuống cơ sở để tuyên truyền vận động các hộ gia đình tiếp tục nâng cao nhận thức trong những ngày giá rét để không thả rông gia súc. Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại kín đáo tránh gió lùa ảnh hưởng đến sức đàn gia súc”, ông Phong cho biết.
Trúc Lâm (t/h)