Câu chuyện về người cựu chiến binh giữ rừng

Hữu Phúc/SGGP|31/08/2018 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Giới mua bán gỗ thường rỉ tai nhau câu chuyện những cánh rừng ở thôn Phú Danh (xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) có nhiều cây gỗ quý nhưng lâm tặc không dám bén mảng tới, vì nơi đây, rừng được bảo vệ bởi hệ thống “tai mắt” được cài cắm khắp nơi. Để chứng thực, chúng tôi xâm nhập vào cánh rừng ở thôn Phú Danh.

Các cựu chiến binh thôn Phú Danh trên đường tuần tra, bảo vệ rừng

Xây dựng “tai mắt” khắp nơi

Khi chúng tôi vừa bước vào cửa rừng, liền có người làm rẫy gần đó ngó nhìn, rồi cầm điện thoại bấm liên hồi. Tầm 10 phút sau, một tốp 5 người tuổi trên 50 chạy xe máy kéo đến hỏi: “Anh vào rừng làm gì?”. Sau khi nghe tôi giới thiệu, ông Thái Văn Cường, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh, phân bua: “Tôi nhận tin báo từ người dân là có người lạ vào rừng, nghĩ là vào xâm hại nên huy động anh em đến ngay…”. Ông Cường cho biết, khu rừng này rộng 250ha do chi hội trực tiếp nhận khoán bảo vệ từ chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hra vào năm 2014. Do lực lượng của chi hội chỉ có 25 người, quá ít so với diện tích rừng quản lý, nên để giữ được rừng, ngoài việc phân công người đi tuần tra theo kế hoạch, chi hội cũng tập trung xây dựng “tai mắt” để chủ động phòng ngừa ngay từ cửa rừng.

Để xây dựng lực lượng, chúng tôi đến rẫy của từng hộ dân sản xuất gần khu rừng để thuyết phục họ tình nguyện báo tin khi có người lạ vào rừng. Chúng tôi cũng chọn người có uy tín xuống làng vận động cư dân giúp sức cho việc giữ rừng. Người dân khi được vận động, giải thích, họ hiểu và rất nhiệt tình hỗ trợ. Thực tế đã có nhiều vụ nhờ tin báo của người dân mà chúng tôi ngăn chặn được các vụ xâm hại rừng ngay từ đầu”, ông Thái Văn Cường thổ lộ.

Đang trò chuyện, ông Lê Văn Thắng cùng với 3 người khác của chi hội vừa đi tuần tra rừng về, gương mặt mồ hôi nhễ nhại. Ông Thắng cho biết, việc tuần tra rừng đã được chi hội phân công từng nhóm, có lúc đi 2 – 3 ngày và phải ăn ngủ trong rừng. Anh em đi nhiều đến nỗi bây giờ có thể vẽ được sơ đồ địa hình từng con suối và các cây gỗ quý dọc đường mà họ đi qua. Trong 4 năm tham gia bảo vệ rừng, nhiều thành viên đã nhiều lần đối mặt với hiểm nguy khi giáp mặt bọn lâm tặc, thậm chí bị đe dọa. Tuy nhiên, điều khiến họ vui nhất là vận động được lâm tặc “giải nghệ”.

“Có những lần gặp lâm tặc cầm cưa vào rừng, chúng tôi bình tĩnh tâm sự, giải thích cho họ hiểu việc phá rừng sẽ gây thiệt hại lớn về môi trường và tài nguyên. Thay vì cưa cây gỗ thì tập trung làm rẫy để ổn định cuộc sống lâu dài. Nhiều người được vận động đã tuyên bố giải nghệ”, ông Thắng cho biết.

Còn sức còn giữ rừng

Trong 4 năm nhận khoán bảo vệ rừng, các cựu chiến binh thôn Phú Danh đã nếm trải biết bao nhiêu khổ cực. Nào là bị lâm tặc đe dọa, bị vắt cắn, muỗi chích trong những chuyến đi xuyên rừng. Rồi chuyện bị trượt té khi leo dốc, lội suối tuần tra. Đến cả chuyện tham gia dập lửa trong vụ cháy rừng, có cựu chiến binh rơi cả giấy tờ cùng tiền và bị thiêu rụi hết… Dù khó khăn, vất vả nhưng không ai nản chí, mà trái lại, họ dốc hết sức để bảo vệ rừng bởi tình yêu rừng luôn cháy bỏng trong họ. Cựu chiến binh Lê Văn Thắng tâm sự: “Hồi đi bộ đội, chúng tôi ăn ngủ trong rừng, được rừng che chở, bảo vệ khỏi quân thù. Đến khi hòa bình, chúng tôi vào vùng đất này định cư. Thấy rừng thỉnh thoảng bị xâm hại nên rất buồn, muốn góp sức bảo vệ những cánh rừng vàng. Năm 2014, khi hay tin Ban Quản lý rừng phòng hộ Hra có ý định giao khoán bảo vệ diện tích rừng trong thôn, Hội Cựu chiến binh đã họp gấp và thống nhất đăng ký tham gia bảo vệ rừng”.

Trong một năm, số tiền nhận khoán bảo vệ rừng mà Hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh nhận được là hơn 70 triệu đồng. Điều đáng quý, tuy số tiền không nhiều nhưng hội trích một phần làm phúc lợi xã hội. “Chúng tôi dùng một phần tiền khoán vào việc mua sắm võng bạt, thực phẩm, xăng và tiền công sau mỗi chuyến tuần rừng của anh em. Còn thừa bao nhiêu, tất cả anh em đều thống nhất nhập vào quỹ của chi hội. Ngoài việc đóng góp Quỹ nghĩa tình đồng đội, hoạt động hội, số tiền trên còn dùng để thăm hỏi động viên những gia đình hội viên gặp khó khăn và trích một phần giúp các cháu học sinh trong thôn vượt khó học tập…”, cựu chiến binh Thái Văn Cường tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hra, cho biết: “Sở dĩ đơn vị chọn giao khoán bảo vệ rừng cho Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh bởi họ là những người được rèn luyện từ quân ngũ, họ sống có trách nhiệm với công việc và tính kỷ luật cao. Thực tế, rừng giao cho chi hội quản lý đều được bảo vệ rất tốt, không bị xâm hại. Vì vậy, năm 2018, đơn vị tiếp tục khoán diện tích 250ha rừng khác cho Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Yên để họ bảo vệ”.

Trước lúc chia tay, cựu chiến binh Thái Văn Cường trải lòng: “Dù anh em trong chi hội ai cũng cao tuổi, nhưng nếu còn sức thì vẫn tự nguyện bảo vệ rừng, bởi đó cũng là góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường và tài nguyên của đất nước”.

Hữu Phúc/SGGP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Câu chuyện về người cựu chiến binh giữ rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.