Cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới “nhiều tuổi” hơn Kim tự tháp Ai Cập

Huyền Anh (T/h)|28/11/2019 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nằm sâu trong dãy núi trắng White Mountains phía đông bang California (Mỹ), cây thông bristleconeđược cho là cây cổ thụ sống lâu đời nhất thế giới, nảy mầm trước khi Kim tự tháp Ai Cập được xây dựng.

Vào năm 1953, một nhân viên kiểm lâm của vườn quốc gia Inyo, Mỹ, đã kể cho Schulman – nhà nghiên cứu của trường Đại học Arizona (Mỹ) câu chuyện về một cái cây hàng nghìn năm tuổi, ẩn rất sâu trong dãy núi Trắng ở California. Nhà nghiên cứu này tin rằng mình sẽ khám phá ra những bí mật.

Chuyến thám hiểm đầu tiên, Schulman cùng trợ lý đã leo lên dãy núi Trắng, lấy mẫu nghiên cứu của một cây thông bristlecone để kiểm tra niên đại. Trước sự ngạc nhiên của họ, cây thông này có tuổi đời hơn 1500 năm. Từ khám phá này đã thôi thúc nhà nghiên cứu trở lại vùng núi hết lần này đến lần khác để truy tìm dấu vết của cây cổ thụ lâu đời nhất.

Cho tới những lần trở lại sau đó, Schulman thu thập thêm dữ liệu, lấy thêm mẫu từ một số loài cây khác.

Năm 1957, Schulman cùng trợ lý Tom Harlan kiểm tra một mẫu cây và phát hiện nó đã 4789 tuổi. Như vậy, ước tính cây này đã nảy mầm vào khoảng năm 2832 trước Công nguyên, xuất hiện trước khi người Ai Cập cổ đại xây dựng Kim tự tháp. Đó chính là một cây thông bristlecone.

Cây cổ thụ này phát triển tại một vùng đất nghèo dinh dưỡng, gần như bị chôn vùi dưới tuyết quanh năm. (Nguồn: Atlasobscura)

Cây cổ thụ này phát triển tại một vùng đất nghèo dinh dưỡng, gần như bị chôn vùi dưới tuyết quanh năm. Để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, cây phát triển chậm hơn với phần thớ gỗ rất dày giúp chống lại côn trùng và sâu bệnh.

Nhà nghiên cứu Schulman quyết định đặt tên cho cây thông này là Methuselah, theo tên của người đàn ông có tuổi thọ cao nhất trong Kinh thánh. Nhân vật Methuselah chỉ sống đến 969 tuổi, còn cây thông này vào thời điểm phát hiện năm 1957 đã 4789 tuổi.

Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã công nhận đây là cây có tuổi đời lâu nhất thế giới, vẫn bám bộ rễ nguyên bản của mình tại nơi nó mọc lên từ hơn 4800 năm trước. Để bảo tồn và gìn giữ loài cây cổ xưa nhất, vị trí của cây Methuselah vẫn là bí mật và không tiết lộ cho công chúng.

Ngày nay, nhiều du khách lên đường tới vườn quốc gia Inyo để tìm kiếm cây đại thụ Methuselah nhưng chưa thông tin nào được xác nhận. Ngay cả chính quyền địa phương cũng không khuyến khích việc tìm kiếm này.

Huyền Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới “nhiều tuổi” hơn Kim tự tháp Ai Cập