Cây nêu – Nơi ký thác tâm linh của người Tây Nguyên

Ngọc Anh|04/02/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dọc trên dải đất Trường Sơn – Tây Nguyên, không có lễ hội lớn nào của cư dân bản địa mà lại vắng bóng cây nêu (còn gọi là cột cúng). Cây nêu vừa là hình tượng nghệ thuật kiến trúc, vừa là biểu tượng tâm linh trong các nghi lễ truyền thống của các dân tộc bản địa nơi đây.

Không có lễ hội lớn nào của cư dân bản địa Tây Nguyên mà lại vắng bóng cây nêu

Trong lễ hội, cây nêu là trục tâm linh, là nơi đi về của các Giàng (các vị thần), ngoài ra nó còn được ví là trục vũ trụ thông tam giới, giúp con người có thể bắc nhịp cầu tâm linh để tiếp cận gần hơn với các đấng thần linh và cõi ông bà tổ tiên.

Người M’nông ở phía Nam Tây Nguyên có một truyền thuyết kể về sự ra đời của cây nêu được lưu truyền như sau: Thuở xa xưa diễn ra cuộc chiến tranh giữa vua dưới nước và vua trên mặt đất. Vua trên mặt đất cử Liêng và Ter đi xuống để hòa giải cuộc chiến giữa vua trên mặt đất và vua dưới nước. Nghe những lời lẽ thiện chí của Liêng và Ter, vua dưới nước chấp thuận và hòa bình lập lại giữa mặt đất và dưới nước. Để kỷ niệm, vua dưới nước tặng vua mặt đất một cây bắp thơm. Liêng và Ter đem cây bắp thơm đó về cho vua mặt đất và trồng trước sân cung đình của vua. Hằng năm tổ chức các lễ hội, người ta thấy cây bắp thơm xanh tốt, nở hoa, buôn làng làm ăn phát đạt, ruộng rẫy nhiều thóc, nhiều bắp. Nhưng một năm kia, có một đôi trai gái loạn luân đã làm cho cây bắp thơm rũ xuống và chết héo. Sau khi xử phạt đôi trai gái đó, vua ra lệnh lấy một cây gỗ, dựng lên tượng trưng cho cây bắp thơm và vẽ nhiều hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống để thay cho cây bắp thơm. Từ đó, buôn làng làm ăn phát đạt trở lại…

Ở Bắc Tây Nguyên ta thường thấy có hai dạng cây nêu: Thứ nhất là cây nêu trong lễ hội cúng Giàng khi dựng làng mới, nó được làm bằng cây lồ ô cao hơn 20m, trên ngọn của cây nêu người ta thường trang trí hình mặt trời hoặc gắn một con chim được đẽo từ một loại gỗ tạp. Hình tượng này biểu tượng cho sự tự do và tục thờ thần mặt trời. Đoạn giữa cây nêu gắn hoa văn bông gạo, đoạn gần dưới gốc cây thường tạc hình con thạch sùng hoặc rùa. Đây là những thứ thân thuộc, gắn bó trong đời sống sinh hoạt của người Tây Nguyên. Loại cây nêu thứ hai thường thấy trong lễ hội đâm trâu hay lễ khánh thành nhà rông mới. Trước lễ hội khoảng một tháng, thanh niên trai tráng trong làng phải tìm chọn một cây lồ ô cao lớn nhất trong vùng để làm thân cây nêu. Ở giữa cây nêu họ kết nối thêm bốn cây gạo biểu hiện sự cầu mong khỏe mạnh, an lành. Tỏa ra bốn hướng bay phấp phới là các dây tua làm bằng tre hoặc dây rừng được tết thành với bốn màu: đỏ, đen, trắng, vàng – đây là màu sắc chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc của người Tây Nguyên.

Không cao vút đồ sộ như ở Bắc Tây Nguyên, cây nêu trong các lễ hội cư dân Nam Tây Nguyên lại độc đáo ở các điểm nhấn về họa tiết, hoa văn và màu sắc trang trí. Tiêu biểu là cây nêu của người M’nông và K’ho. Có thể nói đây là tác phẩm kiến trúc cầu kỳ với tầng tầng, lớp lớp hoa văn, họa tiết phong phú gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày của cư dân nơi đây.

Với người Êđê thì lại có một dạng cây nêu rất riêng. Điều này bắt nguồn từ việc các lễ hội của người Êđê phần lớn được tổ chức trong nhà dài nên cây nêu của họ thường bị giới hạn về chiều cao. Người Êđê quan niệm, bản thân cây nêu và những hình ảnh vẽ trên cây nêu là một vòng đời người. Con người từ khi sinh ra cho đến khi về với ông bà, tổ tiên luôn sống gắn bó với thiên nhiên, cỏ cây, nên những hình ảnh vẽ trên cây nêu đều gần gũi với con người. Ở phía trên cùng là một bắp chuối tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, tiếp theo là 5 hoặc 7 cái vòng Khơk. Trên cột lễ có tất cả những ước nguyện của bà con về sự no đủ, về sự sinh sôi, phát triển thể hiện ở các biểu tượng: ché rượu cần, cối gỗ để giã gạo, nồi đồng… Đặc biệt là những hoa văn, trong đó tiêu biểu là hoa văn về hoa may bốn cánh cũng là biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Già Ama Loan, buôn Ko Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Không phải lễ cúng nào cũng dựng cây nêu. Trường hợp cúng sức khỏe, lễ rước Kpan, cúng nhà mới bằng con bò, con trâu mới làm cây nêu. Lúc đó, cây nêu là linh hồn của người được cúng và của cả gia đình…”. Với sự linh thiêng và cao quý đó nên không phải ai cũng làm được cây nêu mà chỉ những người có tài điêu khắc, được Giàng ban cho đôi tay khéo léo mới làm được.

Ở Tây Nguyên, việc dựng cây nêu cao lớn giữa buôn cũng là lời khẳng định địa vị và khu vực cư trú của một cộng đồng nào đó. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động lao động khác đều dừng lại. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ. Khi trâu đã cột chặt vào cây nêu, thì mọi thành viên trong cộng đồng sẽ hòa nhập vào lễ tế linh thiêng. Họ cùng đánh chiêng, nhảy múa theo vòng tròn ngược theo chiều kim đồng hồ xung quanh cây nêu – đó là chiều vận động bất tận của mặt trời, phản ánh triết lý về sự vận hành âm dương của người Tây Nguyên.

Có thể thấy từ khởi nguyên trong truyền thuyết, cây nêu là sự sinh sôi, nảy nở, nhưng trải qua thực tế, ý nghĩa thực của cây nêu trong đời sống lễ hội và tâm linh của cộng đồng bản địa Trường Sơn – Tây Nguyên đã mang nhiều hàm ý rộng hơn thế. Với sự phong phú của các đồ lễ treo trên sạp lễ, cây nêu được người Tây Nguyên xem là cây vũ trụ, trục nối liền đất với trời; là một biểu tượng không thể phai mờ trong đời sống tâm linh của cư dân nông nghiệp trên miền cao nguyên huyền thoại này.

Ngọc Anh

Bài liên quan
  • Đặc sắc phiên chợ Đồng Văn
    Moitruong.net.vn – Chợ phiên Đồng Văn không chỉ là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa mà còn là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa của đồng bào Mông, Tày, Nùng, Hoa, Dao. Cuộc sống của cộng đồng các dân tộc ở trên cao nguyên núi đá Hà Giang chưa bị thương mại hoá nhiều, nên phiên chợ Đồng Văn còn giữ được nhiều nét thuần phác cổ truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây nêu – Nơi ký thác tâm linh của người Tây Nguyên