Chân tay miệng: Nỗi lo tiếp theo cho y tế Việt Nam

H.Nhung (th)|24/08/2017 23:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, vài tuần trở lại đây tình trạng bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng đang tăng  và  có xu hướng gia tăng mạnh trong thời gian tới. Nguyên nhân chính được cho là đã vào mùa bệnh và cũng là thời gian học sinh vào năm học mới.

Chân tay miệng nỗi lo tiếp theo cho y tế Việt Nam

Ngày 24/8, thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.063 trường hợp nhập viện.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã có văn bản số 4731/BYT-DP gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP huy động các ngành, các tổ chức chính trị -xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các trường học ngay từ đầu năm học mới cần thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hang ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch…

Để phòng tránh bệnh chân tay miệng chúng ta cần:

Thực hiện vệ sinh các nhân bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày , đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Cho bé ăn các loại thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

H.Nhung (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chân tay miệng: Nỗi lo tiếp theo cho y tế Việt Nam