Châu Âu vội vã ứng phó đợt bùng phát dịch Covid19 mới

Hà An|10/10/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nước đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn đợt bùng phát dịch mới. Cơ quan chức năng y tế tại một số nước cảnh báo nguy cơ quá tải ở các bệnh viện và các trung tâm y tế do số người mắc bệnh tăng đột biến.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), trong vòng 7 ngày trở lại đây, tại châu Âu, cứ 100.000 người thì có 20 trường hợp mắc bệnh. Trong 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), chỉ có 4 nước ở dưới ngưỡng nguy hiểm trên của ECDC; tại Đức, cứ 100.000 dân thì có 18,4 người mắc bệnh; tỷ lệ này ở Phần Lan là 15,5; Síp 14,6 và Na Uy 13,9.

Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên dân số cao nhất thế giới.

Các nước có ngưỡng báo động cao nhất về số ca mắc COVID-19 trên mỗi 100.000 dân là Cộng hòa Séc 326,8 người, Tây Ban Nha 302,4 người, Bỉ 245,8, Hà Lan 140,3 và Pháp 120,3. Hàng loạt quốc gia như Ukraine, Séc, Bulgaria, Ba Lan, Hà Lan có số ca nhiễm theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Cộng hòa Séc đang trở thành quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm trong ngày cao nhất châu Âu, số ca nhiễm mới ở quốc gia này đã tăng 50% trong tháng 9.

Châu Âu cần bảo đảm có thể tự cung cấp thuốc và trang thiết bị bảo hộ trong bối cảnh nhu cầu về các mặt hàng này tăng cao khiến nguồn cung không kịp đáp ứng. Bộ trưởng Y tế Áo Rudolf Anschober cho biết, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết ngay, nhưng châu Âu cần thảo luận để sớm tìm ra biện pháp khắc phục.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở “lục địa già” gia tăng liên tục. Đến nay, châu Âu – châu lục có dân số khoảng 500 triệu người đã ghi nhận hơn 6,2 triệu người mắc bệnh, hơn 240.000 người tử vong. Dịch bệnh tại châu Âu đợt này có dấu hiệu nguy hiểm và lo ngại hơn đợt dịch trước. ECDC đã cảnh báo, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đang ở mức rất cao, những người dễ bị tổn thương phải đối mặt với “tác động rất lớn” từ căn bệnh này.

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh COVID-19 đang cực kỳ phức tạp và có thể trở nên tồi tệ hơn khi các quốc gia ở Bắc bán cầu bước vào mùa đông dài, dịch bệnh sẽ trầm trọng hơn với sự kết hợp của dịch cúm mùa có thể tạo nên “đại dịch kép” tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế của các quốc gia EU. Chính những điều này đã thúc đẩy các quốc gia phải “bắt tay hành động” ngay trước khi quá muộn. Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha tái phong tỏa vì COVID-19 từ đầu tháng 10.

Đối mặt với đại dịch, phản ứng của châu Âu sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính: Khoản vay lên tới 240 tỷ euro từ quỹ cứu trợ khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), một quỹ bảo lãnh 200 tỷ euro cho các doanh nghiệp và gần 100 tỷ euro để hỗ trợ cho tình trạng thất nghiệp bán phần.

Vấn đề nóng bỏng về trái phiếu Corona, với mục đích hỗ trợ nền kinh tế trong dài hạn sau cuộc khủng hoảng, được coi là ít khẩn cấp hơn, đã chưa được giải quyết tại cuộc họp lần này.

Những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, vốn đã không thể đạt thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 26/3, sẽ phải tiếp tục xem xét về các đề xuất mới. Một phản ứng chung là điều cần thiết hơn bao giờ hết kể từ khi nền kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái sâu sắc trong năm 2020, trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế thậm chí tin rằng Covid-19 có thể gây ra “hậu quả kinh tế tồi tệ nhất” kể từ đại suy thoái năm 1929.

Hà An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Châu Âu vội vã ứng phó đợt bùng phát dịch Covid19 mới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.