Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, không để dịch bùng phát, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 10 (15/6/2020).
Chủ động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống sốt xuất huyết. Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng.
Tập trung truyền thông trước và trong khi thực hiện các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết và phối hợp thực hiện. Xác định các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết cao của địa phương và tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn của các viện vệ sinh dịch tễ, viện Paster.
Ảnh minh họa
Cục Y tế Dự phòng cũng lưu ý: Sở Y tế các tỉnh, thành báo cáo kịp thời UBND tỉnh, thành phố bố trí nguồn kinh phí kịp thời cho công tác phòng chống sốt xuất huyết để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống trước mùa dịch.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh.
Tại Hà Nội, các quận, huyện hiện nay đang lên kế hoạch rà soát và xử lý các điểm nguy cơ trên địa bàn, thực hiện các hoạt động truyền thông lồng ghép phòng chống sốt xuất huyết và Covid-19.
Theo quy luật, ở miền Bắc, dịch bệnh sốt xuất huyết thường phát triển mạnh nhất vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm.
Những ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện giữa lúc dịch Covid-19 là mối nguy cơ dịch chồng dịch, do vậy, cần có những biện pháp phòng chống, kịp thời.
Mai An (t/h)