(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 20/4, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm – Cứu nạn; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, các Đài khí tượng thủy văn khu vực, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu,Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản… cùng toàn thể hơn 500 dự báo viên thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn đang tham dự tại các đầu cầu truyền hình trên khắp cả nước.
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện về công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (KTTV) phục vụ phòng chống thiên tai trong năm 2017, trên cơ sở đó triển khai công tác dự báo, cảnh báo KTTV năm 2018; tập trung vào việc đổi mới công tác dự báo thời tiết theo hướng hiện đại, tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực; quán triệt thực hiện các Quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo KTTV nguy hiểm cũng như dự báo, cảnh báo KTTV trong điều kiện bình thường.
Ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, với trọng trách được giao trong quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về khí tượng thủy văn, Tổng cục KTTV nói chung và hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia nói riêng cần có tầm nhìn chiến lược mới cũng như xây dựng chương trình hành động cụ thể, quyết liệt đáp ứng yêu cầu phục vụ phòng, chống thiên tai, cung cấp đầy đủ thông tin KTTV cho toàn thể cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngành KTTV cần phải tập trung đổi mới hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Công tác dự báo, cảnh báo KTTV cần phải phát triển nhanh, bắt nhịp với xu thế của thế giới. Cách mạng 4.0 với những đổi mới về công nghệ truyền tin, phân tích và tính toán, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence); Internet vạn vật (Internet of Things), Big data, Smart City, truyền thông số và truyền thông mạng xã hội… yêu cầu bắt buộc mỗi dự báo viên KTTV phải tự cập nhật, trau dồi nghiệp vụ để phục vụ cho nhân dân, cho xã hội tốt hơn.
Ông Lê Thanh Hải cho biết, ngay trước Hội nghị này, Tổng cục KTTV cũng đã tổ chức 2 phiên Hội thảo chuyên đề về “Triển khai công nghệ mới trong dự báo, cảnh báo khí tượng” và “Dự báo thiên tai thủy văn trong kỷ nguyên số”. Các hội thảo đã bàn đến Công nghệ dự báo thời tiết điểm trượt 10 ngày, dự báo mưa lớn bằng mô hình số trị, rađa và vệ tinh để phục vụ dự báo thủy văn, các phương pháp cảnh báo lũ quét, sạt lở đất …
“Tất cả những công nghệ mới về dự báo, cảnh báo trên cần phải được nghiên cứu và nhân rộng trong toàn hệ thống dự báo KTTV quốc gia, từ Trung ương đến các đài KTTV tỉnh” – ông Lê Thanh Hải nói.
Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia trình bày báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia trình bày báo cáo Tổng kết công tác dự báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai năm 2017; nhận định xu thế mùa mưa, bão, lũ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2018. Ngoài ra, lãnh đạo các Đài KTTV của các khu vực như: Đông Bắc, Nam Trung bộ và Nam bộ đã trình bày báo cáo tham luận về chương trình công tác của mình.
Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến thảo luận, đóng góp của đại diện lãnh đạo các cơ quan phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm-Cứu nạn; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Cục Kiểm ngư; Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản… góp phần bổ sung vào kế hoạch của công tác dự báo KTTV phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai năm 2018 của Tổng cục KTTV.
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát biểu tại Hội nghị
Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong năm 2018
Trọng tâm trong công tác dự báo phục vụ của Tổng cục KTTV trong năm 2018 là dự báo, cảnh báo sớm xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); mưa lũ trái mùa ở phía Nam và sau đó là mưa lũ tập trung trong các tháng 6, 7, 8 ở phía Bắc; ảnh hưởng tập trung của bão mạnh ở Trung Bộ; mưa lũ phức tạp, liên tục trong nửa cuối năm ở Trung Bộ; theo dõi cảnh báo về khả năng lũ sớm, lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng chống.
Đặc điểm nổi bật trong công tác dự báo, cảnh báo năm 2018 là việc cảnh báo sớm. Nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão đến 5 ngày, ATNĐ đến 3 ngày và cảnh báo mưa lớn, lũ lớn trước 1 – 2 ngày. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới – WMO, thực tế cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai. Nó có thể ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống và làm giảm tác động kinh tế và vật chất của thiên tai. Trong đó chú trọng về việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Để hiệu quả, các hệ thống cảnh báo sớm cần phải có sự tham gia của người dân và cộng đồng, kết hợp với đẩy mạnh nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai, để luôn đảm bảo trạng thái chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Toàn hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia sẽ triển khai dự báo thời tiết chi tiết cho từng địa điểm thời hạn đến 10 ngày (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thực hiện cho 63 điểm đại diện cho đơn vị cấp tỉnh, các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh thực hiện cho các điểm đại diện cho đơn vị cấp huyện).
Khắc phục tối đa các hạn chế trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV đã được phân tích ở trên đồng thời với việc tăng cường trao đổi thống nhất việc chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai trong các bản tin dự báo, cảnh báo từ Trung ương đến địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành chúc mừng và biểu dương toàn thể cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên, dự báo viên KTTV trên toàn quốc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2017. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, khoa học, nhằm hướng tới làm tốt hơn công tác dự báo cảnh báo KTTV phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai diễn ra ngày 29/3 vừa qua về việc ngành KTTV đã thành lập Tổng cục thì phải làm tốt hơn công tác dự báo, Thứ trưởng đề nghị toàn ngành coi đó làm kim chỉ nam cho hành động của Ngành trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Để làm tốt hơn công tác dự báo KTTV, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục KTTV đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật; tiếp tục xây dựng các quy trình kỹ thuật để công việc mỗi cán bộ ngành KTTV từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đều được quy định cụ thể, rõ ràng đảm bảo hoàn thành về tiến độ và chất lượng.
Các Đài KTTV khu vực tham gia hội nghị qua hình thức trực tuyến
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn ở Trung ương xây dựng kế hoạch trung hạn trong 3 năm tới sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng, để dựa vào đó cụ thể hóa thành kế hoạch hàng năm, trình Bộ phê duyệt. Ở các địa phương, Thứ trưởng đề nghị tăng cường phối hợp với các cơ quan chính quyền, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp để giúp công việc dự báo được tốt hơn.
Về công tác xã hội hóa, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn nghiên cứu, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đo đạc, xây dựng dữ liệu khí tượng thủy văn. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục nhanh chóng nghiên cứu để 200 xã trọng điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất mà Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xây dựng bản đồ phải có điểm đo sớm nhất để lấy số liệu phục vụ cho cảnh báo, dự báo ở các khu vực này.
Với các đơn vị Bộ đội biên phòng, Thứ trưởng mong muốn lực lượng này phối hợp chặt chẽ với ngành KTTV xây dựng trạm quan trắc tự động và làm tốt công tác truyền thông, kết hợp nhiều kênh thông tin để các thông tin cảnh báo, dự báo về thiên tai tới được với tất cả người dân tại các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, Thứ trưởng đánh giá cao sáng kiến lắp đặt các thiết bị đo và truyền tin lên tàu cảnh sát biển. Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn thiết lập được chương trình quan trắc tự nguyện trên các tàu cá.
“Khi đặt được các trạm đo trên các tàu cá và các khu vực xa xôi, hẻo lánh, điều đầu tiên là chúng ta có được số liệu và điều thứ hai không kém quan trọng là nâng cao nhận thức của mọi người về sự nghiệp theo dõi, cảnh báo thiên tai. Mục tiêu của Chính phủ về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai chỉ có thể đạt được khi có sự ủng hộ, tham gia của người dân và doanh nghiệp.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn
Với cơ sở vật chất được đầu tư tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục làm tốt hơn việc chia sẻ thông tin về cảnh báo, dự báo và phòng chống thiên tai cho các đơn vị liên quan để sử dụng hiệu quả. Đồng thời, Tổng cục cần thường xuyên quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ cho các dự báo viên.
Nhân Hội nghị này, Thứ trưởng Lê Công Thành gửi lời cảm ơn đến tất cả các đồng chí dự báo viên các đài khu vực, các tỉnh đã hết sức cố gắng, tạo được niềm tin cho Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương. Thứ trưởng chúc các đồng chí sức khỏe dẻo dai, cố gắng hơn nữa, để thành công trong công tác dự báo, phòng chống thiên tai sẽ được Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đánh giá cao, ngày càng khẳng định vị thế của ngành khí tượng thủy văn.
Theo Monre