Chủ tịch EC đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam liên quan đến chống khai thác IUU

Lam Trinh |02/12/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và mong vấn đề sớm được giải quyết trong thời gian tới.

Ngày 01/12, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP28 tại UAE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và mong muốn EU và các nước thành viên tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ Tuyên bố chính trị về Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

2-ttg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời mời bà Von Der Leyen thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Thủ tướng mong EC có tiếng nói tích cực để các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); đề nghị EC xem xét sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tính đến quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai nghiêm túc các khuyến nghị của EC về phát triển nghề cá bền vững.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của EU và EC, hoan nghênh hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, điển hình là việc triển khai JETP.

Bà Ursula von der Leyen chia sẻ tích cực đề nghị của Việt Nam về Hiệp định EVIPA, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và mong vấn đề sớm được giải quyết trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Trước đó, nhân dịp tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG).

Lễ công bố diễn ra trọng thể với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Bộ trưởng và đại diện cấp cao nhiều nước thành viên IPG gồm Anh, Nhật Bản, Đức, Italy, Canada, Đan Mạch, Phó Chủ tịch Liên minh Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ). Cùng tham dự còn có Lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, thể chế tài chính và quỹ quốc tế như: Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP)...

Tuyên bố JETP đã được Việt Nam và các thành viên IPG thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussel, Vương quốc Bỉ tháng 12 năm 2022.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm; nhấn mạnh Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và gần đây nhất là triển khai dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác quốc tế ưu tiên hợp tác với Việt Nam trên 05 lĩnh vực chuyển đổi, bao gồm phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, truyền tải và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân; nội lực là cơ bản và quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; đề cao hợp tác quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.

2-ttg1.jpg
Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thoả thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, góp phần bảo đảm tương lai thịnh vượng cho mọi người dân, tăng trưởng kinh tế, tự chủ và an ninh năng lượng của Việt Nam.

Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao việc Việt Nam ban hành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt nhấn mạnh Kế hoạch do Việt Nam xây dựng và làm chủ, phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho rằng Kế hoạch huy động nguồn lực là dấu ấn quan trọng trong quá trình triển khai JETP, thể hiện cam kết và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, đồng thời khẳng định EU tự hào trở thành đối tác của Việt Nam trong quá trình này. Bà cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng cần bền vững, bảo đảm giá cả phải chăng, góp phần nâng cao đời sống và tạo cơ hội cho mọi người dân.

Quốc vụ khanh của Anh phụ trách năng lượng nhấn mạnh Kế hoạch huy động nguồn lực không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu và kinh tế đầy tham vọng mà còn mang lại cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động từ phát triển sạch, không để ai bị bỏ lại phía sau; khẳng định Anh và các nước đối tác đứng đằng sau ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam, theo nhu cầu của chính Việt Nam.

Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới

Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết trong lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng "0" và đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng.

Sự kiện quan trọng này là bước triển khai đầu tiên để thực hiện JETP, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông qua JETP, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.

Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch EC đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam liên quan đến chống khai thác IUU