Khi thời tiết thay đổi, cơ thể con người không kịp thích ứng, hệ miễn dịch suy yếu nên dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Mà trong thời điểm chuyển mùa hè - thu, độ ẩm và nhiệt độ phù hợp để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Vì vậy, con người dễ mắc bệnh trong thời gian này, phổ biến là cảm cúm, viêm họng, dị ứng… Các bệnh này thường có các triệu chứng là đau họng.
Bảo vệ họng khi giao mùa hiệu quả
Vệ sinh răng mũi họng thường xuyên, hàng ngày
Khu vực răng mũi họng có thể tích tụ vi khuẩn và gây bệnh do đặc thù môi trường ẩm ướt, trao đổi thường xuyên với không khí môi trường và thực phẩm. Do đó, cần vệ sinh thường xuyên bằng việc vệ sinh răng miệng sau khi ăn, đánh răng trước và sau khi thức dậy.
Có thể dùng nước muối sinh lý để súc họng, vệ sinh mũi,… ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Tắm bằng nước ấm
Người bị viêm họng tái phát nhiều lần, người sức khỏe yếu nên tắm bằng nước ấm kể cả trong thời tiết chớm lạnh giao mùa. Phòng tắm nên thiết kế kín, tránh gió lùa, sau khi tắm xong thì cần lau khô người trước khi mặc quần áo sạch và ra ngoài.
Giữ ấm cơ thể
Gió lạnh là nguyên nhân khiến niêm mạc họng trở nên yếu ớt hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn và viêm họng cấp cũng cao hơn. Vì thế, hãy đảm bảo giữ ấm cho cơ thể trong thời tiết lạnh, nhất là khi ra ngoài vào sáng sớm hoặc buổi tối.
Sử dụng nước muối loãng
Từ lâu, dân gian đã sử dụng nước muối loãng để vệ sinh vùng họng, miệng. Chính vì vậy, để có một vòm họng khoẻ mạnh, hãy tập thói quen súc miệng và súc họng bằng nước muối ấm vào mỗi tối, trước khi đi ngủ và sau khi đánh răng. Nước muối loãng giúp tẩy sạch cổ họng và miệng, đồng thời giúp bảo vệ cổ họng trước nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Sử dụng nghệ
Ngoài công dụng giúp tái tạo tế bào, nghệ còn có đặc tính chống dị ứng và bảo vệ cổ họng khỏi những nguồn bệnh gây dị ứng. Hãy uống nửa tách nước nóng pha thêm chút muối và 1 nhúm bột nghệ vào mỗi tối. Sử dụng liên tục trong những ngày giao mùa sẽ giúp cổ họng tránh được những nguy cơ viêm nhiễm.
Cẩn thận biến chứng nặng do viêm họng cấp lúc giao mùa
Nhiều người còn khá chủ quan với bệnh viêm họng cấp, để bệnh tự tiến triển và triệu chứng tự thuyên giảm. Song với người sức khỏe yếu, nhất là trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thì nguy cơ viêm họng cấp gây biến chứng là rất cao.
Biến chứng viêm cầu thận cấp
Viêm lan tỏa xuất hiện ở cầu thận có thể do vi khuẩn viêm họng cấp xâm nhập sâu gây ra. Bệnh diễn biến cấp tính, có thể gây các triệu chứng như: tiểu ra máu, phù toàn thân, tăng huyết áp, protein niệu,…
Biến chứng thấp khớp cấp
Đây là tình trạng viêm cấp tính ở các khớp lớn do liên cầu khuẩn gây viêm họng cấp xâm nhập gây ra. Tại khớp mắc bệnh sẽ có biểu hiện sưng đỏ, nóng, đau,… Biến chứng do viêm họng cấp này cần được điều trị sớm, nếu không có thể gây hỏng màng khớp, ảnh hưởng tới vận động của khớp.
Biến chứng thấp tim
Thấp tim là tình trạng viêm xảy ra ở màng trong tim, cơ tim, màng ngoài tim hoặc viêm tim toàn bộ. Biến chứng này có thể dẫn đến một loạt các vấn đề tim mạch ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này trong tương lai như: hẹp van tim, hở van tim, viêm màng trong tim,…
Biến chứng tại chỗ
Viêm họng cấp có thể gây sưng tấy quanh họng và amidan, xuất hiện áp xe thành họng.
Biến chứng gần
Do hệ tai - mũi - họng thông nhau nên viêm họng cấp có thể gây viêm lan ra các khu vực trong hệ thống này, điển hình như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, phế quản hay thậm chí là viêm phổi.
Chủ động phòng ngừa viêm họng cấp lúc giao mùa rất cần thiết ở trẻ nhỏ, người có sức khỏe yếu thường xuyên mắc bệnh. Nếu có dấu hiệu bệnh, nên sớm đến cơ sở y tế để thăm khám, được hướng dẫn điều trị và phòng bệnh.