Chương trình hành động của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia

Nguyên Lâm|18/06/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Nghị quyết 90/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 90/NQ-CP ngày 16/6 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch này.

Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.

phat-trien-kinh-te.jpg
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030

Bên cạnh đó, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Theo chương trình hành động của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ sẽ triển khai đầu tư, hoàn thành các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia như: cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn - Cà Mau, đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP.HCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Tiếp đó, trong giai đoạn sau 2030, Chính phủ sẽ đầu tư, hoàn thiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây của 23 tỉnh, đường bộ cao tốc Đông - Tây tại một số tỉnh, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị Hà Nội, đường sắt đô thị TP.HCM, một số tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế, đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Cũng theo chương trình hành động thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được ban hành, trong những năm sắp tới Chính phủ sẽ thực hiện một loạt dự án hạ tầng xã hội quy mô lớn từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác.

Cụ thể như phát triển cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành; xây dựng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; xây dựng, nâng cấp bệnh viện cấp trung ương, cấp vùng; xây dựng các khu du lịch quốc gia trọng điểm…

Trong chương trình hành động này, Chính phủ cũng đưa ra 4 trọng tâm lớn.

Đó là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành đầu mối dẫn dắt sự phát triển quốc gia. Lựa chọn một số địa bàn, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính đột phá.

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển.

Về mục tiêu cụ thể của quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD/người.

Tập trung phát triển 2 vùng động lực phía Bắc và phía Nam, gắn với 2 cực tăng trưởng Hà Nội và TP.HCM.

Phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, phấn đấu tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, có từ 3-5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế.

Về xã hội, duy trì mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số đạt 105 triệu người vào năm 2030.

Đưa nền giáo dục Việt Nam lọt vào nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ phấn đấu có 5.000km cao tốc, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không quốc tế lớn, các tuyến đường sắt kết nối cảng biển, đường sắt đô thị, xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phát triển hệ thống hạ tầng năng lượng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình hành động của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia