Chuyện người đàn ông “nặng tình với rác”

Nguyễn Trường – Sơn Hà|25/08/2022 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với suy nghĩ "Rác thải là nguồn tài nguyên", ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Lam Sơn Thanh Hóa đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý rác thải, tái chế thành các sản phẩm có ích và góp phần bảo vệ môi trường.

Rác thải là nguồn tài nguyên!

Đó là câu mở đầu như để gợi mở câu chuyên về cơ duyên khi ông Bình đến với công việc này. Năm 1991, sau khi nghỉ công tác trong ngành không quân ở Đà Nẵng, ông Bình về quê nhà ở thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa làm cơ khí và lắp đặt thiết bị xây dựng. Đến năm 2002, ông được một công ty nước ngoài thuê làm chuyên gia lắp đặt dây chuyền vắt sữa bò tự động với mức lương gần 1.000 USD/tháng. Đây là mức lương khá cao đối với ông Bình lúc bấy giờ. Thế nhưng, chỉ ít năm sau, ông Bình đã từ bỏ tất cả để theo đuổi công việc xử lý rác thải.

W_cong-nghe-xu-ly-rac.jpg-5.jpg
Ông Bình chia sẻ về cơ duyên đến với quá trình thực hiện nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải

Khi được hỏi vì sao lại có sự thay đổi "lạ lùng" đến vậy, ông Bình mỉm cười, đáp lời: “Tôi đi nhiều, học nhiều, có cơ hội được cộng tác, làm việc với các công ty nước ngoài, bởi vậy mà tư duy cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi nguyên tắc và tầm nhìn của họ. Như cách họ trân trọng môi trường sống. Nhìn họ xử lý vấn đề môi trường, đặt môi trường lên hàng đầu trong chiến lược phát triển, tôi đã hạ quyết tâm phải làm được điều gì đó cho môi trường của quê hương. Nhận thấy việc thu gom rác thải lúc bấy giờ vẫn còn tự phát, chưa được đầu tư bài bản, đúng quy trình, tôi đã nhen nhóm ý tưởng “dấn thân” vào ngành môi trường thông qua công việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt”.

Nói là làm, năm 2006, ông Bình dốc toàn bộ vốn liếng rồi vay mượn thêm bạn bè, anh em để thành lập Công ty vệ sinh môi trường Lam Sơn, chuyên thu gom rác thải sinh hoạt tại huyện Thọ Xuân. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc mua một chiếc xe ô tô Hoa Mai với giá 175 triệu đồng, rồi đi thu gom rác khắp làng trên xóm dưới.

Năm đầu tiên đến với nghề rác cũng là năm thất bại đối với ông Bình. Do địa bàn hoạt động nhỏ lẻ nên công ty ông thua lỗ nặng. Nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc. 1 năm đi thu gom và “gắn bó” với rác thải giúp ông Bình hiểu rõ được đặc thù về nguồn rác thải ở Việt Nam là không được phân loại, có độ ẩm cao. Việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp và đốt không phải là phương pháp bền vững, lâu dài. Không những vậy, việc xử lý rác thải theo kiểu “cắt ngọn” sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy xấu đối với môi trường đất, nước, không khí. Xuất phát từ thực tế trên, ông Bình đã nảy ra một ý tưởng mà ở thời điểm đó ai cũng cho là “điên rồ”, đó là: “Biến rác thành tài nguyên”.

Từ năm 2007 – 2012, ông Bình tạm gác lại công việc đi thu gom rác, tiếp tục chuỗi ngày rong ruổi tích lũy kinh nghiệm, lần này là những chuyến đi xa hơn, dài ngày hơn, vất vả và hi sinh hơn. “Tôi đi khắp 63 tỉnh thành, đến cả nhiều nước trên thế giới, ở đâu có nhà máy xử lý rác, là tôi sẽ đến đấy học hỏi, rút kinh nghiệm. Có những giai đoạn, tôi ăn, nằm, ngủ ròng cả tháng trời bên trong nhà máy xử lý rác chỉ để nghiên cứu và học hỏi. Tôi cũng không hiểu bản thân khi đó sao lại “điên” như vậy, chỉ biết rằng cụm từ rác thải luôn ẩn hiện trong đầu tôi, động viên tôi, thôi thúc tôi…” – ông Bình bồi hồi.

Đi nhiều, tìm hiểu nhiều, chứng kiến những nhà máy xử lý rác được đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, khiến ông Bình không khỏi trăn trở: “Tôi thấy tiếc quá, bỏ ra bao nhiêu tiền của để xử lý rác nhưng cứ loay hoay mãi, bài toán rác thải vẫn mãi chưa có lời giải!”.

Biến những trăn trở thành động lực để thay đổi, năm 2013, ông Bình lại đưa ra một quyết định lớn, ông đã cùng các cộng sự của mình đầu tư mua một hệ thống dây chuyền xử lý rác thải trị giá 9,7 tỷ đồng. Thế nhưng, thành công một lần nữa lại "quay đầu" với ông. Do quy hoạch nâng cấp đô thị Lam Sơn (Thọ Xuân) nên dự án của ông không được cấp phép hoạt động. Toàn bộ dây chuyền trị giá gần 10 tỷ đồng không được đưa vào sử dụng sớm trở thành đống sắt vụn.

W_cong-nghe-xu-ly-rac.jpg-2.jpg
Dù đã có những thành công nhất định trong ngành môi trường, nhưng anh Bình vẫn miệt mài nghiên cứu, say mê cống hiến, tất cả vì một tình yêu với môi trường, yêu cuộc sống này

Men vi sinh và giấc mơ “hồi sinh” rác thải

Những tưởng sau lần thất bại đó, ông Bình sẽ nản lòng và bỏ cuộc, gia đình cũng bàn lùi bảo ông không có duyên với nghề, khuyên ông nên bỏ, nhưng người đàn ông này vẫn say nghề đến mức “cố chấp”. “Cái ương của tôi là không làm thì thôi, đã làm là phải làm đến cùng, chưa thành công nghĩa là bản thân chưa nhìn nhận thấu đáo, chưa đi đến tận cùng của vấn đề” – ông Bình nói.

W_cong-nghe-xu-ly-rac.jpg-6.jpg
Bí quyết giúp rác thải khô và bớt mùi để tiện xử lý của ông Bình nằm ở công nghệ men vi sinh mà ông và cộng sự đã mày mò nghiên cứu suốt bao năm qua

Năm 2108 với quyết định nâng cấp công nghệ, tiếp tục đầu tư dây chuyền xử lý rác thải bằng men vi sinh kết hợp sàng phân loại. “"Tôi đi tổng cộng 74 nhà máy xử lý rác trên cả nước để khảo sát. Nghe chỗ nào có nhà máy là tôi đến để nghiên cứu về các ưu nhược điểm trong quy trình xử lý rác. Từ đó đúc rút ra kinh nghiệm để cho ra công nghệ men vi sinh" – ông Bình tâm đắc. Và, không phải quá tam ba bận, ở lần quyết tâm này, ông Bình đã thành công và có cho mình một đóng góp nhất định cho ngành rác: Ngày 8/5/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận kết quả "Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt (cải tiến công đoạn ủ và phân loại) bằng chế phẩm sinh học" của ông Bình. Đến nay, công nghệ xử lý rác bằng men vi sinh của công ty ông đang được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. “Men vi sinh ủ rác cho nhiệt độ lên tới 80-82⁰C có thể làm khô rác mà hoàn toàn không có nước rỉ rác. Sau khi phun men vi sinh khoảng 30 ngày thì có thể đưa vào tách lọc. Xử lý được vấn đề này thì sẽ không còn cảnh ô nhiễm ở các bãi rác” – ông Bình hồ hởi chia sẻ.

W_cong-nghe-xu-ly-rac.jpg-3.jpg
Rác thải sau khi được xử lý bằng men vi sinh sẽ được đưa lên dây chuyền xử lý rác để phân loại

Tại điểm xử lý rác, ông Bình chia sẻ: “Với dây chuyền xử lý rác này, chỉ cần 4 người là vận hành với công suất 50 tấn/ngày. Quy trình công nghệ gồm 3 công đoạn chính. Đầu tiên là xé bao rác trong các túi PP hoặc PE. Công đoạn ủ vi sinh là khâu quan trọng nhất, bởi chế phẩm vi sinh phân hủy xenlulo và xenlulozo, được hòa tan trong nước (1kg chế phẩm hòa trong 100 lít nước), phun đều vào rác theo từng lớp, 1kg chế phẩm sử dụng được cho 5 tấn rác. Rác được đánh đống ủ trong 20 - 25 ngày, sau đó đảo trộn rồi ủ tiếp 20 - 25 ngày nữa. Nhờ chế phẩm vi sinh mà nhiệt độ trong đống rác ủ sẽ lên tới 70 - 80 độ C giúp cho độ ẩm của rác từ 90% giảm xuống còn 30%. Rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải và được tách thành 3 loại: Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ (gạch, đá, thủy tinh...); nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế. Nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế được đưa qua hệ thống quạt thổi, hút để tách riêng nilon và nhựa đưa đi tái chế, rác hữu cơ không thể tái chế đưa vào lò đốt. Nhờ đó, lượng rác phải đốt giảm còn khoảng 30%...”

Sau 4 năm đưa vào sử dụng, công nghệ này mang lại những kết quả rất tích cực. Những bãi rác vốn “nổi tiếng” bất cập từ nhiều năm nay: Bãi rác tại xã Xuân Cẩm (Thường Xuân), bãi rác xã Nga Giáp (Nga Sơn) đều đã được dây chuyền xử lý rác của công ty xử lý gọn gàng, chỉn chu. Trong quá trình xử lý không hề phát sinh mùi hôi, không xuất hiện nước rỉ rác, không ruồi muỗi, khối lượng rác thải phải đốt hoặc chôn lấp giảm đáng kể. Không những vậy, chi phí đầu tư ban đầu thấp, sản phẩm thu hồi có thể tạo giá trị kinh tế cao, đặc biệt hiệu quả với những bãi rác vốn đã quá tải hiện nay như: Bãi rác Đông Nam, Sầm Sơn... với công suất từ 30 – 1.000 tấn/ngày.

W_cong-nghe-xu-ly-rac.jpg-4.jpg
Dây chuyền là lời giải cho bài toán xử lý rác ở các huyện miền núi

Một số địa phương trên cả nước đã đến tìm hiểu và áp dụng công nghệ xử lý rác này như Bắc Giang, Tuyên Quang. Theo đánh giá của một số cơ quan chuyên môn, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần môi trường Lam Sơn được xem là hệ thống xử lý rác hiệu quả, thân thiện với môi trường, sản phẩm thu hồi có giá trị kinh tế cao.

W_cong-nghe-xu-ly-rac.jpg-1.jpg
Mùn hữu cơ được tạo ra từ dây chuyền xử lý rác sẽ được đóng bì và mang đi nuôi giun quế, làm phân bón an toàn cho cây trồng

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện có khoảng 2.700 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, nhiều bãi rác xử lý chôn lấp đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ xử lý rác sinh hoạt thông qua việc phân loại, tái chế như thế này là vô cùng cấp thiết, nhằm góp phấn nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường.

Bài liên quan
  • Thanh Hoá: Đóng cửa hai mỏ san lấp đất tại huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn
    Ngày 19/8/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 2823/QĐ-UBND và 2825/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ đất san lấp tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung đối với Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và Phát triển Mạnh Quang và mỏ đất san lấp tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn của Công ty TNHH Một thành viên Thành Công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người đàn ông “nặng tình với rác”