Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

Minh Châu|30/11/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu…

Theo Bộ NN-PTNN, giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu tổng quát của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tiếp tục định hướng trên 3 trụ cột về kinh tế, xã hội, môi trường với mục tiêu cụ thể là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Ảnh minh họa

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn tới nên gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 vẫn cần hướng trọng tâm tới đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra những sản phẩm giàu dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc đưa ra các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần chú trọng vào 4 “nút thắt” cơ bản là: Cơ chế chính sách tích tụ đất đai; đổi mới lại phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, cá thể sang phương thức sản xuất quy mô lớn hơn; cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao năng lực phát triển khoa học công nghệ.

Tại hội thảo, đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới đang đối mặt với nhiều thách thức như: Năng lực cạnh tranh ngày càng thấp so với các lĩnh vực kinh tế khác; năng lực cạnh tranh toàn cầu yếu do chất lượng thấp, hệ lụy từ định hướng lấy sản lượng làm trung tâm trong giai đoạn đã qua; tốc độ và năng lực chuyển đổi số thấp so với các ngành khác; quy mô nông hộ siêu nhỏ còn lớn…

Trong bối cảnh đó, sứ mệnh của ngành nông nghiệp Việt Nam tới đây vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực của trên 100 triệu dân, đảm bảo đủ cả về lượng, cân đối về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh. Đảm bảo sinh kế cho hơn 9 triệu hộ nông dân (khoảng 26 triệu lao động nông thôn); cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp thực phẩm; bảo vệ môi trường, môi sinh và đa dạng sinh học…

Tầm nhìn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, bên cạnh đảm bảo về an ninh lương thực – thực phẩm, còn phải trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững và có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị thương hiệu…

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh toàn thế giới đang trong trạng thái “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ” nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Vì vậy, người làm nông nghiệp phải chủ động thích ứng với mọi sự thay đổi.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong nội tại ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, đang tồn tại nhiều mâu thuẫn cần phải giải quyết như: Mâu thuẫn giữa sự phát triển với những thách thức, đe dọa đến từ biến đổi khí hậu cực đoan. Mâu thuẫn giữa mong muốn lợi nhuận trong thời gian ngắn của doanh nghiệp, của người nông dân với tư duy xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trong cơ cấu lại nghành nông nghiệp.

Mẫu thuẫn giữa chủ trương tích hợp tổng thể và tư tưởng cục bộ đang diễn ra trong đời sống xã hội, cục bộ giữa các doanh nghiệp, giữa người nông dân, thậm chí là cục bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Mâu thuẫn giữa chủ trương, mục tiêu phát triển của từng địa phương khác nhau với việc tạo chuỗi liên kết vùng…

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.