(Moitruong.net.vn) – Mới đây, vụ việc về hai người trong nhóm hiệp sĩ quận Tân Bình (TP HCM) bị đâm chết khi truy bắt nhóm trộm xe SH xảy ra vào đêm 13/5 đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và đau xót.
Các hiệp sỹ đường phố vẫn chưa được trang bị các loại vũ khí chuyên dụng
Vụ việc xảy ra khoảng 20h30 ngày 13/5, nhóm hiệp sỹ Tân Bình đã phục kích và bắt quả tang 4 đối tượng đang trộm xe máy SH của người dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3) nên tổ chức vây bắt. Phát hiện bị vây, nhóm trộm tháo chạy trên nhiều xe máy thoát thân.
Cuộc rượt đuổi khoảng vài trăm mét thì nhóm hiệp sỹ Tân Bình đuổi kịp. Tuy nhiên, các đối tượng trong băng trộm đã dùng hung khí tấn công lại nhóm hiệp sỹ khiến anh Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Đăng Khôi cùng một người khác bị thương nặng và tử vong. Nhóm trộm sau đó tẩu thoát.
Đây không phải là lần đầu tiên các hiệp sỹ “Lục Vân Tiên” giữa đời thường đã hy sinh xương máu, kể cả tính mạng mình vì sự bình yên của cộng đồng. Thế nhưng, những hiệp sỹ lặng thầm ấy lại không được hưởng một khoản lương chính thống hay các chế độ chính sách nào, kể cả việc được phong tặng liệt sỹ khi hy sinh truy bắt tội phạm. Họ vẫn bị lãng quên để thay vào đó là những thước phim, những bài báo, những hình ảnh đẹp, hành động đẹp, dũng cảm đáng trân trọng và cái đích cuối cùng là con số 0 nghiệt ngã.
Trước đó, dư luận cả nước đã “nóng” lên với nhiều vụ việc bọn côn đồ, trộm cướp liên tục tấn công các hiệp sỹ đường phố tỉnh Bình Dương đang làm nhiệm vụ. Sự đồng cảm và tôn vinh trước những “ Lục Vân Tiên” xứ gốm ngày càng tăng lên nhưng kèm theo đó là nỗi lo trước tình trạng bất ổn của xã hội ngày càng tăng với hành vi ngày càng táo tợn, hung hăng hơn của bọn côn đồ. Trong khi đó, những hiệp sỹ ngày đơn độc và luôn chịu nhiều thiệt thòi dù đã, đang và sẽ đối đầu với những nguy hiểm trực chờ mà có khi họ phải đánh đổi bằng máu và mạng sống của chính mình.
Họ chỉ là những người chạy hon-da “ôm”; người phu khuân vác; chú công nhân; chàng sinh viên trẻ, có cả những “bóng hồng” nhưng can đảm phi thường…. không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, điều kiện sống nhưng đều có cái rất chung là bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và mang lại sự bình yên cho mọi người. Những hiệp sỹ ấy dù đã mang trên người nhiều thương tích cũng như không hề được thụ hưởng bất kỳ một chế độ chính sách nào từ nhà nước, thế nhưng họ vẫn không xa rời nhiệm vụ với cái tâm trong sáng “trừ gian, diệt ác”.
Các chuyên gia pháp lý đã nói rằng: cần có những quy định cụ thể cho các hành động khi họ “tác nghiệp” để tránh tình trạng “tự bơi, tự cứu” và trông chờ vào sự trợ giúp của xã hội, những tấm lòng vàng. Bên cạnh đó, bọn bất lương đang có xu hướng sử dụng các loại hung khí nguy hiểm, trong đó có cả hàng “nóng” sẵn sàng chống trả khi bị truy đuổi thì những chàng hiệp sỹ ấy lại không được cấp và sử dụng những trang thiết bị để đối phó. Điều này đồng nghĩa với việc “tay không, bắt cướp” vẫn đang diễn ra.
Đã có rất nhiều đề nghị những người quan tâm của cả nước về chế độ, chính sách của nhà nước đối với lực lượng này, nhưng đến nay vẫn chưa có những tín hiệu lạc quan. Vì vậy, các ngành chức năng cần có một chính sách thật rõ ràng, cụ thể đối với những hiệp sỹ đường phố trên để họ an tâm làm việc nghĩa cho đời; để gia đình họ an lòng mỗi khi có người thân tham gia đấu tranh với cái xấu, cái ác. Đó cũng là một sự công bằng mà tin chắc rằng sẽ được mọi người đồng thuận.
Trương Thanh Liêm