92 năm hình thành và phát triển
Dưới sự áp bức bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức tập hợp nhau lại đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến hình thành các Hội Ái hữu, Hội Tương tế trong các nhà máy, xí nghiệp. Năm 1921, người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập Công hội bí mật ở Sài Gòn, với mục đích đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản. Công hội bí mật đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công vào tháng 8/1925 của hơn 1.000 công nhân Xưởng Ba Son ủng hộ giai cấp công nhân Trung Quốc, phản đối sự câu kết giữa thực dân Pháp với chính quyền Tưởng Giới Thạch đàn áp công nhân ở thành phố Quảng Châu. Cuộc bãi công ở Ba Son là một mốc son đánh dấu bước trưởng thành, trình độ tự giác của giai cấp công nhân Việt Nam; thể hiện năng lực tổ chức, ý thức giác ngộ, đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa khẩu hiệu đấu tranh kinh tế với mục tiêu đấu tranh chính trị. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân ta mang tính chính trị quốc tế.
Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn (Bác Hồ với cán bộ, công nhân Xưởng Cơ khí, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tháng 1/1964 – Ảnh Tư liệu)
Thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội III “Quốc tế công hội đỏ” tại Moskva (Liên Xô) – Người là đại biểu duy nhất cho giai cấp công nhân thuộc địa và đọc bản tham luận chính thức trong phiên họp thứ 15 ngày 21/7/1924. Người kêu gọi: “…tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng tôi”. Đây là tiếng nói chính thức đầu tiên của một đại biểu của phong trào công nhân và Công đoàn nước ta trên diễn đàn quốc tế. Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và trực tiếp giảng dạy nhằm nâng cao lý luận chính trị cho học viên. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Công hội: “Tổ chức công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Những năm 1925 – 1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “Vô sản hóa” đã thâm nhập sâu rộng vào nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh. Đến năm 1929, giai cấp công nhân lao động có 221.052 người, chiếm 1,3% dân số cả nước. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và tổ chức công hội đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo và như một tất yếu của lịch sử. Nhận thức được vai trò quan trọng đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí khác đã tích cực tổ chức cuộc vận động phong trào công nhân, trước hết là phong trào công nhân Bắc Kỳ để thành lập tổ chức Công hội.
Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, được sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các Công hội Đỏ địa phương đã liên kết thành một tổ chức công hội thống nhất là Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng và thông qua chương trình, điều lệ của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Hội nghị cũng quyết định xuất bản Tạp chí Công hội Đỏ (tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn) và báo Lao Động (ngày 14/8/1929) – đây là tờ báo tồn tại lâu nhất trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Việc thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương. Là cột mốc quan trọng đối với lực lượng công nhân lao động vì lần đầu tiên có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động, đồng thời góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào công nhân thế giới.
Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi thành lập, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, đoàn thể cách mạng non trẻ của giai cấp công nhân Việt Nam nhưng chiến đấu với tinh thần cách mạng kiên cường, là đội tiên phong của Đảng. Năm 1935, các tổ chức Ái hữu được thành lập chủ yếu theo nghề nghiệp làm bước trung gian tiến tới đòi tự do nghiệp đoàn đã đưa phong trào Công đoàn Việt Nam lên một bình diện mới. Ở Nam Kỳ, các tổ chức Ái hữu – Nghiệp đoàn mang đậm tính chất ngành nghề trong các đơn vị sản xuất. Ở Bắc Kỳ, phong trào Ái hữu – Nghiệp đoàn phát triển mạnh trong công nhân và các tầng lớp lao động, lần đầu tiên có sự liên kết các ngành nghề, các địa phương trong tổ chức và tranh đấu.
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, bọn phản động ở thuộc địa ra lệnh giải tán các tổ chức Ái hữu – Nghiệp đoàn, bắt giam cán bộ công vận ở các đô thị, khu công nghiệp. Để phù hợp với tình hình mới, tổ chức Ái hữu – Nghiệp đoàn phải rút vào hoạt động bí mật và lấy tên là “Hội Công nhân phản đế” thuộc Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương. Lúc này, giai cấp công nhân đóng vai trò tích cực, chủ động mở rộng phong trào gắn kết với nông dân, liên hiệp với tiểu chủ, tư sản dân tộc, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng là xây dựng Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương VIII, Người đã lập ra Mặt trận Việt Minh và Hội Công nhân cứu quốc. Nhiệm vụ của Hội Công nhân cứu quốc là tham gia phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi để tiến tới giành chính quyền. Từ 6.000 đoàn viên năm 1930 đến năm 1945 số đoàn viên đã lên tới hơn 200.000 người, đóng vai trò to lớn trong việc giành chính quyền ở các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là thắng lợi lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, trong đó lực lượng đi đầu và nòng cốt là công nhân lao động; là biểu hiện sâu sắc tinh thần tự lực, tự cường của giai cấp công nhân lao động, đồng thời là ý thức phối hợp, đoàn kết của nhân dân Việt Nam, góp phần tích cực vào phong trào cách mạng thế giới. Ngày 20/6/1946, Hội nghị cán bộ Công đoàn toàn quốc đã quyết định đổi tên Hội Công nhân cứu quốc thành Công đoàn. Ngày 20/7/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức ra mắt, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký.
Thắng lợi chưa bao lâu, thực dân Pháp tiếp tục xâm lược nước ta, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 11/12/1947, Hội nghị Ban Thường vụ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định: “Nhanh chóng tập hợp, động viên công nhân, lao động cả nước dồn sức và xây dựng những cơ sở sản xuất mới ở các chiến khu để vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Các phong trào thi đua yêu nước, động viên công nhân lao động, khắc phục khó khăn, sản xuất nhiều vũ khí đạn dược và hàng hóa phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc được tổ chức khắp cả nước.
Năm 1950, yêu cầu của sự nghiệp “kháng chiến kiến quốc” đòi hỏi phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn phải có sự chuyển biến cao hơn, cả trong nhận thức và hành động. Từ ngày 1-15/1/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam đề ra mục tiêu: “Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”. Đại hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Chủ tịch.
Đến giai đoạn 1951 – 1952, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở vùng địch tạm chiếm đã có bước phát triển mới. Lúc này, quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là một. Thắng lợi ở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, là cơ sở quan trọng cho việc ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi. Trong chiến thắng chung của dân tộc có những đóng góp của phong trào công nhân và tổ chức công đoàn.
Ngày 5/11/1957, Chủ tịch Nước ra Sắc lệnh số 108-SL/L10 ban hành Bộ luật Công đoàn – đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao vị thế của Công đoàn Việt Nam. Đến năm 1960, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực với các tổ chức Công đoàn các nước trên thế giới, đặc biệt là tổ chức Công đoàn các nước Xã hội chủ nghĩa.
Năm 1961, Đại hội lần thứ II, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đổi tên thành Tổng Công đoàn Việt Nam và đề ra mục tiêu: động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà”. Ở miền Nam, ngày 27/4/1961, Hội Lao động giải phóng ra đời, đến ngày 1/5/1965 đổi tên thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam, vận động, tập hợp người lao động đấu tranh chống Mỹ – Ngụy trên các mặt trận với nhiều hình thức, biện pháp.
Năm 1962, Hội Lao động giải phóng được Liên hiệp Công đoàn Thế giới công nhận là thành viên chính thức. Trên cơ sở phát triển Hội Lao động giải phóng, những năm 1965 – 1970 đã hình thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam, có hệ thống tổ chức trong toàn miền. Trong cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Công đoàn giải phóng vận động công nhân lao động ở hầu khắp các đô thị nhất loạt nổi dậy phối hợp với các lực lượng vũ trang tiêu diệt địch giành quyền làm chủ. Đến năm 1974, Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm Chủ tịch danh dự và đề ra mục tiêu “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, khắp các thành phố, thị xã công nhân chủ động nổi dậy bảo vệ nhà máy, xí nghiệp và phối hợp với lực lượng vũ trang giải phóng thành phố. Ngày 6/6/1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp tại TPHCM, thay mặt cho 3 triệu đoàn viên công đoàn hai miền Nam – Bắc, Hội nghị đã quyết định thống nhất Tổng Công đoàn Việt Nam.
Ngày 18/12/1980, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp trong đó khẳng định “Tổng Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước”. Năm 1984, nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Nhà nước đã tặng Tổng Công đoàn Việt Nam Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.
Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam năm 1988 là Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phù hợp với yêu cầu tập hợp người lao động thuộc các thành phần kinh tế, phù hợp với yêu cầu mở rộng đối tượng và phạm vi hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới. Đại hội cũng đã quyết định đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nhằm thể chế hóa tổ chức Công đoàn, ngày 30/6/1990, kỳ họp thứ VII Quốc hội khóa VIII đã thông qua Luật Công đoàn, thay thế Luật Công đoàn năm 1957. Luật Công đoàn năm 1990 là cơ sở pháp lý để phát huy vai trò của Công đoàn trong thời kì mới, bảo đảm quyền dân chủ và lợi ích của người lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn đã được xác định rõ hơn trong hệ thống chính trị của nước Việt Nam. Đến năm 1992, Chính phủ ra Nghị định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, cơ quan. Điều 10 của Hiến pháp 1992 quy định về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tiếp theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX diễn ra vào tháng 6/1994 đã thông qua Bộ luật Lao động. Trong đó, quy định vai trò của tổ chức Công đoàn đối với người lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước
Trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã vận động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ xâm lược cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Công đoàn Việt Nam luôn phát huy truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển
Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, tổ chức Công đoàn chính là lực lượng quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi công nhân, viên chức, lao động đi đầu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các phân ngành kinh tế, thể hiện bản lĩnh và sự năng động sáng tạo trong lao động, luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Nhìn lại 92 năm qua, dù bất luận hoàn cảnh nào, lịch sử cũng đã chứng minh, chỉ có Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động. Nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và nhân dân.
Ghi nhận tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn, Điều 10 Hiến pháp nước ta quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Và để tiếp tục ghi nhận vai trò của tổ chức Công đoàn, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, trong đó quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội… Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Thời kỳ mới, tình hình mới, trong dòng chảy của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong bối cảnh đất nước đã thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoàng Anh