Ngày 14-4, bắt đầu ngày đầu tiên (mùng 1) năm mới Tết cổ truyền của cộng đồng người Khmer. Tết này được bà con dân tộc Khmer gọi là Chol Chnam Thmay, hay còn gọi là Tết chịu tuổi, diễn ra từ 14 đến 16-4.
Cộng đồng dân tộc Khmer vẫn quan niệm, đây là thời kỳ chuyển giao giữa hai mùa mưa, nắng, cây cỏ tốt tươi, thiên nhiên căng đầy nhựa sống, nên họ đã coi đây là điểm khởi đầu của một năm mới.
Những ngày Tết Chol Chnam Thmay, mọi công việc ruộng rẫy của đồng bào dân tộc đều dừng lại để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thăm viếng nhau. Nhà cửa cũng được trang hoàng. Cả cộng đồng giúp nhau chuẩn bị gạo nếp để xay bột, đậu các loại, lá chuối, lá dừa để làm các loại bánh trái như: bánh tét, bánh ít,… tất cả được gói cẩn thận mang đi cúng Phật, ông bà tổ tiên và để tiếp khách trong những ngày Tết.
Bên ngoài chùa ở Vĩnh Long được dán bảng tuyên truyền phòng chống COVID-19, trang bị sẵn khẩu trang, nước sát khuẩn cho phật tử đến viếng – Ảnh: Chí Hạnh
Tuy nhiên năm nay, thay cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thì các địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã lên kế hoạch tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để bà con được đón một cái Tết tuy giản đơn nhưng thật sự vui tươi, an toàn.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Để chuẩn bị tổ chức cho đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 đang ở giải đoạn mang tính chất quyết định, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi đến các chức sắc, trụ trì cùng tăng ni, phật tử vui Tết đầm ấm nhưng không tổ chức quy mô, đông người.
Mâm cúng Tết Chol Chnam Thmay đơn giản, tiết kiệm giữa mùa dịch bệnh COVID-19 – Ảnh: Chí Hạnh
Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây buộc phải điều chỉnh quy mô và cách tổ chức để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hoà thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì Chùa Khléang (TP. Sóc Trăng) cho biết, Hội đã thông tin đến các trụ trì và Ban quản trị chùa Khmer trong tỉnh phải là tuyên truyền viên vận động đồng bào phật tử thực hiện nghiêm các quy định chung về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đối với các nghi lễ diễn ra trong Tết cổ truyền từ 13 – 16/4, các chùa dừng tập trung đông người và hướng dẫn, khuyến cáo đồng bào ở tại phum sóc, tổ chức nghi lễ tại gia đình. Tất cả tăng ni, phật tử thực hiện được những điều này đã mang phúc, lộc đầu năm đến cho bá tánh.
“Đồng thời yêu cầu thực hiện các nghi lễ tại chùa không quá 10 người (gồm 2- 4 vị sư và 4-6 vị ban quản trị chùa). Không cho phép người dân kinh doanh, buôn bán tại chùa; không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí… do đó, hầu hết đồng bào phật tử trong tỉnh đều nhận thức khá tốt về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19”, Hoà thượng Tăng Nô nói.
Tết Chol Chnam Thmay năm nay các sư sãi thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để phòng ngừa COVID-19 – Ảnh: Chí Hạnh
Những ngày này, các tuyến đường trong các phum sóc ở Sóc Trăng đều vắng bóng người và phương tiện qua lại, do bà con hạn chế ra đường và tất cả đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định mỗi khi có chuyện cần phải ra khỏi nhà. Tại huyện Long Phú, Thượng tọa Thạch Thươl, Chi hội trưởng Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú, Trụ trì chùa Bâng Cro Chap Thmây cho biết, để chung tay phòng, chống dịch COVID-19, chùa cũng đã thông báo, vận động bà con tổ chức đón Tết với quy mô nhỏ, gọn; chủ yếu tổ chức trong phạm vi gia đình, không đến chùa đông người vì như vậy sẽ dễ lây bệnh. Sẽ không tập trung bà con phật tử trong thời gian làm lễ rước đại lịch, thành phần thực hiện sẽ gọn; chùa sẽ tổ chức cầu siêu chung cho tất cả các linh hồn người quá cố…
Ông Kim Hiền (62 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cho biết ông có 3 người con đang làm ăn xa ở Đồng Nai và TP.HCM. “Năm nay, do dịch bệnh, tôi gọi bảo con cái ở yên trên đó đừng về. Ở nhà tôi cũng chấp hành nghiêm chỉ thị giãn cách xã hội, tổ chức ăn Tết gọn gàng, không tập trung đông đúc ở chùa”, ông Hiền nói.
Ở Cần Thơ, bà Thạch Thị Na (60 tuổi) cũng cho biết năm nay 2 người con bà cũng đón Tết ở TP.HCM. “Còn mình ở nhà, đem ít bánh trái vô chùa cúng, đốt nhang rồi về chứ không tập trung múa hát như mấy năm trước. Nhà nào ở nhà nấy là để bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng” – bà Na chia sẻ.
Chùa Phật giáo Nam tông Khmer Munir Ansay ở TP Cần Thơ cũng tổ chức đón Tết gọn gàng, không tập trung đông người – Ảnh: Chí Hạnh
Nhằm chia sẻ niềm vui năm mới với cộng đồng người Khmer, Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long đã đến thăm và chúc tết tại 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn.
Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh – Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long – cho biết để thích ứng với việc phòng, chống dịch COVID-19 Ban Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã có công văn yêu cầu các trụ trì, chư tăng, ban quản trị và chư phật tử của 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Các chùa tạm dừng các lễ có tính chất tập trung đông người, trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát và khó kiểm soát, tuyên truyền Phật tử hạn chế đi chùa và khi đến chùa thì mỗi người phải giữ khoảng cách từ 2m trở lên…
An Nhiên