Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường – Bài 5: Những cột khói “ Khổng Lồ” vẫn bao trùm khu dân cư

28/11/2016 01:14
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Trong những số báo trước, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có bài phản ánh tình trạng hoạt động của Công ty xi măng Vicem  Hoàng Thạch gây ô nhiễm môi trường và hệ lụy bênh tật của người dân do thường xuyên phải hít phải bụi xi măng do nhà máy thải ra. Để rộng đường dư luận  và thông tin đa chiều, phóng viên Môi trường và Cuộc sống đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch để tìm hiều tại sao sau rất nhiều phản ánh như vậy, công ty vẫn tiếp tục xả thải bụi ra môi trường khiến cuộc sống của người dân ngày càng khốn khổ.

  • Bài 1: Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường
  • Bài 2: “Làng ung thư” đang hiện hữu…?
  • Bài 3: Bụi xi măng bủa vây khắp mọi nơi
  • Bài 4: Nhân dân và chính quyền nói có, Sở bảo không?

Báo cáo sạch, thực tế bẩn

Được biết, công ty xi măng Hoàng Thạch bắt đầu xây dựng từ năm 1977, bắt đi đầu đi vào hoạt động sản xuất từ năm 1983 với 1  dây chuyền sản xuất và cho đến nay đã đạt được 3 dây chuyền hoạt động liên tục 24/24.

Ông Bùi Anh Tuấn, Trưởng ban kĩ thuật môi trường cho biết: Mặc dù hiện nay 3 dây chuyền hoạt động liên tục, nhưng các sự cố xả thải ra môi trường hầu như là không có. Các hoạt động bảo vệ môi trường của công ty rất tốt, được các bán ngành đi kiểm tra đánh giá cao, điển hình là thanh tra bộ tài nguyên Tài Nguyên Môi Trường. Công ty cũng thường xuyên tiếp thu, chấn chỉnh ý kiến của người dân, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người dân sống xung quanh khu vực hoạt động của nhà máy. Ông Tuấn cho biết thêm, vào ngày 10/10/2016, đoàn giám sát thành phố Hải Dương đưa tin công ty xả thải trộm ra môi trường kèm kết quả đo kiểm quan trắc môi trường, nhưng công ty phủ nhận và nói đó là do máy móc gặp sự cố.

Ông Phạm Huy Thọ, trưởng phòng hành chính quản trị cho biết thêm: Máy móc của công ty hiện đang hoạt động rất tốt, sự cố máy móc gần như là không có. Việc xử lý bụi, khí thải, đều có đồng hồ điện tử ghi lại hết, xem cái đó sẽ biết ngay. Ngay cả các sự cố cũng không hề xảy ra. Để biết được điều đó, chỉ cần xem băng hình ghi lại là rõ nhất. Công ty chúng tôi đã đặt chế độ tự động nếu sự cố xảy ra dây chuyền hoạt động sẽ dừng trong 5 phút. Về công tác bảo vệ môi trường, phần lọc bụi phải luôn hoạt động tốt và có chế độ bảo dưỡng như dừng lò là bảo dưỡng luôn.Để khi chạy máy lại tất cả đều hoạt động tốt. Còn phần lọc bụi tay áo, công ty luôn kiểm tra theo định kỳ, khi đó công nhân sẽ vào trong lấy phần tay áo mang đi giặt. Bởi bụi bám vào đó sẽ được lấy đem ra sản xuất, còn tay được mang đi giặt nhằm để thông thoáng. Mỗi 1 giờ lọc bụi tĩnh điện mà không làm việc bụi khoảng 100 tấn, 100 tấn đó là tiền, mỗi một tấn 1 triệu, cái này không hề vứt đi mà được quay lại quá trình sản xuất của công ty. Còn lọc bui xuống xà lan có hệ thống lọc bụi và hút, tuy nhiên không thể đảm bảo hết được bụi hoàn toàn. Về vấn đề này tất cả công ty và nhân viên đều rất ý thức làm sao hạn chế tốt nhất trong quá trình sản xuất và không để xảy ra vấn đề gì.

untitled4

Ống khói vẫn thải nghi hút hằng ngày của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch

Ý kiến của công ty là thế, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác so với miêu tả của ban lãnh đạo công ty xi măng Hoàng Thạch. Khi phóng viên đi thực tế quanh khu vực công ty thì nhận thấy bụi đá, bụi đường bao phủ khắp nơi, nhà máy thường xuyên xả thải vào ban trưa và ban đêm. Từ nhà cửa, đến cây cối, cánh đồng đâu đâu cũng nhuộm một màu trắng đục của khói bụi. Những con đường giao thông bị băm nát bởi hàng trăm xe tải chở đá. Xung quanh khu vực nhà máy, dân cư sinh sống đông đúc, nhà cửa xây san sát nhưng giữa ban ngày vẫn vắng tanh vì nhà ai cũng đóng cửa kín mít. Nhiều người sống sát nhà máy không thể chịu nổi tiếng ồn và bụi bẩn phải chuyển đi nơi khác để sinh sống. Dân bức xúc phản ảnh lên chính quyền, chính quyền cũng chỉ biết tiếp thu và có kiến nghị lên cấp trên để đề ra biện pháp giải quyết. Nhiều lần UBND thị trấn đã làm việc với các đơn vị gây ra bụi nhưng họ bảo khói bụi xả ra môi trường phù hợp với tiêu chuẩn của nhà nước… UBND thị trấn không có thẩm quyền xử lý, xử phạt nên cũng đành chịu…”. Không chỉ có bụi đá xi măng ảnh hưởng đến người dân, hằng ngày, hàng trăm lượt xe tải chở đất đá từ các mỏ khai thác hoạt động ầm ầm, khiến cho tuyến đường từ mỏ đá vào đến nhà máy nứt toác mặc dù đã được cải tạo nhiều lần.

Trách nhiệm của nhà máy ở đâu?

Ông Phạm Huy Thọ chia sẻ: Trong các hoạt động sản xuất công nghiệp, không thể tránh khỏi việc gây bụi bặm, tiếng ồn và công ty đang cố hết sức để giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của người dân xung quanh bằng cách lắp đặt rất nhiều máy lọc bụi, đồng thời cũng có các biện pháp an sinh xã hội như: xây trường học, nhà vệ sinh, đầu tư cải tạo đường xá, nuôi mẹ Việt Nam anh hung, thường xuyên quét dọn sau khi hoạt động,… và công ty đang có dự kiến 6/2017 nâng cấp máy lọc khí có công suất lọc cao hơn.

Mặc dù trên giấy tờ và phát ngôn của công ty luôn đặt vấn đề công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu, nhưng vì sao tỉ lệ người dân ở xung quanh nhà máy bị các bệnh về đường hô hấp và đặc biệt là ung thu phổi ngày càng gia tăng? Đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải khi công ty vẫn hàng ngày xả thải ra môi trường mà công ty vẫn cho là “sự cố” máy móc.

           Sơn Tùng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường – Bài 5: Những cột khói “ Khổng Lồ” vẫn bao trùm khu dân cư