Công viên ở Đắk Nông được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu

Bình An|08/07/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Công viên Địa chất Đắk Nông đã được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).

Ngày 7/7, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Pháp), Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua Quyết định của Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất Toàn cầu.

Với sự công nhận này, Công viên Địa chất Đắk Nông trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có 147 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO ở 41 quốc gia được công nhận.

Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO là một danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội…, tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.

Công viên địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015. Tại đây có tới 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước… Khu vực này nổi tiếng là vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, có nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên và dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Núi lửa Băng Mo, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông

Năm 2018, TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các nhà khoa học đã công bố phát hiện hàng chục nghìn di vật là mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, xương răng động vật, xương sọ người… ở hang núi lửa Krông Nô. Phát hiện này là chứng cứ khoa học có giá trị bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với công viên địa chất Đắk Nông.

Đến tháng 11/2018, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và UBND tỉnh Đắk Nông đã hoàn thiện hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông trình lên UNESCO, theo thông cáo phát hành ngày 7/7 của Bộ Ngoại giao.

Theo quy định, tháng 9/2019, Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu đã họp tại Indonesia và xem xét, đánh giá tổng thể các hồ sơ được Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu đề cử trên toàn thế giới, trong đó có Hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam.

Trên cơ cơ sở đánh giá khoa học về các giá trị của Hồ sơ đề cử, căn cứ theo các tiêu chí chặt chẽ của Công viên Địa chất Toàn cầu, Hội đồng đã nhất trí khuyến nghị Hội đồng Chấp hành UNESCO thông qua việc đề cử Công viên địa chất Đắk Nông gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu.

Tỉnh Đắk Nông đang thúc đẩy phát triển du lịch tại Công viên địa chất Đắk Nông

Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ họp và thông qua tại Khóa họp lần thứ 209 vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, Khóa họp được diễn ra từ 29/6-10/7/2020 và ngày 7/7/2020 vừa qua, Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua việc Hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.

Sau khi được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu, các cơ quan liên quan trong đó có Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Nông, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, văn hoá, lịch sử, truyền thống dân tộc…song song với phát triển kinh tế-xã hội chú trọng phát triển du lịch bền vững nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông.

Bình An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công viên ở Đắk Nông được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu