Biến đổi khí hậu

COP29 đề xuất dành 1.000 tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu

Thanh Thanh 12/11/2024 11:30

Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) sẽ tập trung vấn đề tài chính nhằm giúp đỡ các quốc gia nghèo cắt giảm ô nhiễm carbon.

Theo hãng tin AP, quá trình ứng phó với nhiệt độ khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán và bão ngày càng trở nên tồi tệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều báo cáo và chuyên gia ước tính tổn thất do thiên tai có thể lên tới hàng nghìn tỷ đô la và các quốc gia nghèo sẽ khó có thể đủ tài chính để sẵn sàng chi trả cho vấn đề khí hậu.

Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan với sự tham dự của hơn 51.000 đại biểu đến từ gần 200 nước trên thế giới.

Trong khuôn khổ COP29, các bên sẽ đàm phán Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG) — một mục tiêu tài chính khí hậu tham vọng hơn, minh bạch hơn và có thể dự đoán được nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một thỏa thuận lên tới 1.000 tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm cho các nước đang phát triển cũng nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của COP29. Thỏa thuận này sẽ thay thế cam kết 100 tỷ USD mỗi năm mà các nước phát triển đã đưa ra vào năm 2009 để hỗ trợ các nước đang phát triển.

capture(2).png
Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan

Các chuyên gia cho biết, nếu không có tài chính khí hậu, thế giới sẽ không thể kiểm soát được tình trạng ấm lên, và hầu hết các quốc gia cũng không thể đạt được mục tiêu cắt giảm ô nhiễm carbon hiện tại hoặc các mục tiêu mới sẽ đệ trình vào năm tới.

Ông Pablo Vieira, người đứng đầu đơn vị hỗ trợ tại NDC Partnership, tổ chức giúp các quốc gia đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải, cho biết nếu chúng ta không thể khắc phục vấn đề tài chính thì chắc chắn sẽ không thể giải quyết được vấn đề khí hậu.

Theo ông Vieira và một số chuyên gia khác, nếu không đủ khả năng loại bỏ than, dầu và khí đốt thì các quốc gia không thể cắt giảm ô nhiễm carbon. Các quốc gia nghèo bày tỏ nhiều lo lắng vì họ được yêu cầu phải làm nhiều hơn nữa để ứng phó với biến đổi khí hậu trong khi không đủ khả năng chi trả.

Theo Liên Hợp Quốc, ước tính khoảng 77% khí phát thải giữ nhiệt trong khí quyển đến từ các quốc gia giàu có trong nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dù nhiều quốc gia trong số đó hiện đang nỗ lực cắt giảm ô nhiễm.

"Các quốc gia phát triển ngày càng giàu có hơn nhưng lại là tác nhân gây ra ô nhiễm Trái đất nghiêm trọng", ông Ani Dasgupta, Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới cho biết.

Chukwumerije Okereke, Giám đốc Trung tâm Biến đổi Khí hậu và Phát triển tại Nigeria nhận định nếu cộng đồng toàn cầu không đạt được mục tiêu tài chính thì điều này thực sự giống như việc ký "bản án tử hình" cho nhiều nước đang phát triển.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres trong thông điệp gửi tới Hội nghị COP29 cũng nhấn mạnh rằng, nhân loại đang thiêu đốt Trái Đất và sẽ phải trả giá. Ông kêu gọi tăng cường hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu có mục tiêu, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.

"Chúng ta phải giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng: khí nhà kính. Các nước giàu phải dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm 9% lượng khí thải mỗi năm cho đến năm 2030, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách nhanh chóng và công bằng, và đẩy nhanh cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, để chúng ta có thể hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã ở đây. Chúng ta không thể trì hoãn việc bảo vệ. Chúng ta phải thích nghi ngay bây giờ", ông Gutteres nói.

COP29 sẽ là sự kiện cuối cùng trước thời hạn tháng 2/2025 để cập nhật các Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), từ đó tạo động lực cho các cam kết khí hậu quốc gia tham vọng hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
COP29 đề xuất dành 1.000 tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.