Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn Thiếu tướng Trần Minh Lệ – Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an về những kết quả đạt được trong năm qua và kế hoạch hoạt động của lực lượng CSMT trong năm 2022.
Thiếu tướng Trần Minh Lệ – Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an
PV: Xin đồng chí cho biết một số thành tích nổi bật của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường trong năm 2021?
Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Năm 2021 là năm đánh dấu 15 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn hệ lực lượng đến Công an cấp cơ sở thực hiện các chương trình, kế hoạch chuyên đề về PCTP, vi phạm pháp luật về môi trường; quyết liệt trong đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, toàn lực lượng đã kiểm tra, phát hiện 27.152 vụ/28.408 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (nhiều hơn 1.181 vụ = 4,5% so với năm 2020); khởi tố, đề nghị khởi tố 371 vụ/472 đối tượng (nhiều hơn 88 vụ = 31,1% so với năm 2020); xử phạt, đề nghị xử phạt VPHC 23.949 vụ/3.099 tổ chức, 21.9412 cá nhân với tổng số tiền 356,89 tỷ đồng (nhiều hơn 1.469 vụ = 6,5% và nhiều hơn 37,66 tỷ đồng = 11,86% so với năm 2020)….
Đặc biệt, năm 2021, Cục Cảnh sát môi trường đã trực tiếp khởi tố 03 vụ “Gây ô nhiễm môi trường” và “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Kết quả trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm phục vụ phát triển, kinh tế – xã hội của đất nước.
PV: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông có đánh giá như thế nào những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có sự điều chỉnh bổ sung khá toàn diện so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó đã tập trung bổ sung, xây dựng cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu điều kiện phát triển của đất nước trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên. Các quy định mới của Luật đã xác định rõ và đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường của hệ thống chủ thể, làm rõ thêm về vai trò của “cộng đồng dân cư” trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Năm 2021 là năm đánh dấu 15 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường
Bên cạnh, việc thể chế các chính sách về bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng bổ sung hoàn thiện hơn các quy định về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức cá nhân, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của lực lượng Cảnh sát môi trường.
Đối với Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP để đảm bảo việc thực thi phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, từ đó để quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường một cách đầy đủ, phù hợp theo các quy định mới của Luật.
Với việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ 01/01/2022 và Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, có thể nói cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường đã có một bước phát triển hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển bền vững.
PV: Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hiện nay, theo đồng chí cần có những giải pháp nào?
Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Qua thực tiễn công tác đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, để các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nâng cao ý thức và thực hiện tốt công tác BVMT thì cần phải có những giải pháp sau:
Các cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về môi trường và tác hại của hành vi vi phạm pháp luật môi trường, nhất là các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, bảo đảm an toàn thực phẩm. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư công nghệ trong xử lý ô nhiễm; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Chủ động, tích cực phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền và lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện việc đánh giá tác động của doanh nghiệp với môi trường.
PV: Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ có những kế hoạch hoạt động thế nào để đấu tranh xử lý, ngăn chặn có hiệu quả đối với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về môi trường?
Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Năm 2022, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tài nguyên, an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số lĩnh vực trọng điểm như an toàn thực phẩm; xử lý chất thải; khai thác tài nguyên, khoáng sản… lực lượng Cảnh sát môi trường đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với hệ lực lượng tại Công an các địa phương.
Tập trung nắm, dự báo tình hình phức tạp về tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên an toàn thực phẩm để chủ động phát hiện xử lý sớm không để xảy ra các “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự. Mở các đợt cao điểm tăng cường đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 và các chuyên đề trọng tâm, gây bức xúc trong xã hội.
Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình và công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm của toàn lực lượng, không bỏ lọt đối tượng, lĩnh vực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, chủ động tham gia các cơ chế đa phương, song phương, phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật công nghệ phục vụ công tác.
Thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống. Tăng cường nghiên cứu khoa học, hoàn thiện lý luận về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.
Lực lượng Cảnh sát môi trường cần bám sát khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng CAND “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của Bộ và cuộc vận động xây dựng tiêu chí “Cảnh sát môi trường Đoàn kết – Kỷ cương – Trí tuệ – Hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện “Quy tắc ứng xử của lực lượng Cảnh sát môi trường”.
PV: Xin cảm ơn Cục trưởng, chúc Cục trưởng và các cán bộ chiến sỹ Cảnh sát môi trường mạnh khỏe và gặt hái được nhiều thành công trong năm 2022!
Thu Thủy – Thu Hà