Ngày 23/2, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng ban hành văn bản về việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra công tác phân loại, lưu trữ chất thải lây nhiễm Covid-19 từ các hộ dân, nơi cư trú có F0, F1.
Khi dịch bùng phát, những hi sinh thầm lặng của những ‘chiến sĩ áo xanh’ dường như lại thêm phần cao cả.
Từ đầu năm tới nay, trung bình mỗi ngày TP. Đà Nẵng ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, đa phần người dân lựa chọn phương án tự cách ly, điều trị tại nhà. Theo hướng dẫn chăm sóc người phải thực hiện cách ly y tế tại nhà, chất thải phải được phân loại ngay tại nguồn ngay khi đưa lên xe chở tới khu xử lý rác.
Chất thải nếu là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng, dụng cụ test nhanh…phát sinh từ phòng cách ly tại nhà, nơi lưu trú phải được bỏ vào túi đựng chất thải, xịt cồn 70 độ để khử trùng, sử dụng túi màu vàng để đựng sau đó mới buộc chặt miệng túi và bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có dán nhãn “Chất thải nguy hại có chứa SARS-CoV-2”. Chất thải sinh hoạt được thu gom, phân loại với chất thải lây nhiễm.
Vì thế cũng phải có mội đội ngũ thu gom chuyên biệt. Họ thường là những công nhân môi trường khoác thêm trên mình bộ đồ bảo hộ và được trang bị thêm một số vật dụng hỗ trợ cho công tác phun, khử khuẩn.
Họ chỉ không phải là những người được đào tạo bài bản trong công việc chống dịch nhưng vì công việc của họ mang yếu tố đặc thù nên họ phải lao vào những nơi ‘có dịch’ để thu gom những đống rác từ bệnh nhân đang bị nhiễm Covid-19. Thời gian được đào tạo chỉ khoảng vài tháng nhưng ai cũng hiểu rõ sự nguy hiểm với thứ mình đang phải đối mặt.
Anh Trung luôn xem ‘bình xịt khuẩn’ là thứ vũ khí để tự vệ trước sự lây nhiễm từ Covid-19 trong lúc thực hiện công việc
Anh Trung (thuộc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu) cứ hằng ngày vào đúng 7 giờ sáng lại phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ màu xanh, mang khẩu trang 2 lớp kín mặt, kèm bình xịt khuẩn đến thu gom rác của các hộ có người đang nhiễm Covid-19. Anh được phân công phụ trách hơn 300 hộ dân nằm trên địa bàn quận Hải Châu
Với một chiếc xe số cũ, kèm theo phía sau là một chiếc thùng được đảm bảo đủ kín để khi đựng rác không gây lây lan dịch bệnh ra ngoài không khí. Việc luồn lách trong từng kiệt, hẻm để thu gom rác chở đến nơi xử lý đã là một điều đơn giản đối với anh Trung, cái khó đối với anh tới thời điểm hiện tại có ắt hẳn cũng là sự khó chịu khi phải mang bộ đồ bảo hộ suốt cả quá trình làm việc. Những lúc cởi bộ đồ bảo hộ cũng là lúc anh trở về với gia đình, lúc này cũng bắt đầu lại một nỗi lo mới.
“Vào nghề hơn 16 năm, tiếp xúc với bao nhiêu loại rác thải nguy hại nhưng chưa bao giờ cảm thấy sợ như thời điểm này. Cứ nghĩ nếu chẳng may bản thân mình bị Covid-19 thì chắc gia đình 4 miệng ăn không chống nổi trước gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền”, anh Trung còn chia sẻ thêm việc mình đã gần tháng nay không dám trở về nhà gặp vợ con, bởi vợ anh có sức khỏe không tốt, về sợ mang bệnh lại khiến cơ thể người trước nay đã yếu lại thêm phần nguy hiểm.
Đã được trang bị bảo hộ cẩn thận thế nhưng rất nhiều công nhân của Công ty Môi trường đô thị phải đến tận nhà có người nhiễm Covid-19 tự điều trị tại nhà để thu gom rác nên anh Trung đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, khi nhiều hộ có người nhiễm không thực hiện khai báo, không phân loại rác thải nguy hại.
Những túi rác trước khi được thu gom thường được chăm sóc kỹ lưỡng bằng cồn 70 độ để nhằm giảm nguy cơ lây lan Covid-19 trong không khí
Việc phân loại như vậy rất quan trọng bởi chất thải lây nhiễm thu gom phải được xử lý riêng so với các loại chất thải khác, thông thường sẽ được xử lý bằng phương pháp thiêu huỷ để xử lý triệt để chất thải lây nhiễm.
Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc, cơ sở y tế của địa phương hướng dẫn việc thu gom, phân loại và lưu giữ chất thải lây nhiễm của người F1, F0 tại nhà, nơi lưu trú theo đúng quy định. Trong trường hợp phát hiện có lẫn rác thải lây nhiễm lẫn trong rác thải thông thường trong quá trình thực hiện, thông tin ngay đến UBND phường, xã và đến cấp có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Chiến Thắng