– Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng thừa nhận “Gần như tất cả điểm nóng môi trường hiện nay đều xuất phát từ quy hoạch không có dự báo” tại phiên chất vấn trước HĐND thành phố Đà Nẵng.
>>> Quỹ Phòng, chống thiên tai thu được 1.795 tỷ đồng
>>> Hơn 1.000 căn nhà an toàn chống bão lụt được xây dựng trong năm 2018
Đà Nẵng ngập nước, tồn ứ rác thải đang là nỗi lo của một đô thị hướng tới danh hiệu môi trường. Ảnh: MTG
Ông Tô Văn Hùng cho biết: Năm 2008, thành phố ban hành đề án thành phố môi trường, đến năm 2025 là hạn cuối hoàn thành đề án này. Sau 10 năm thực hiện thì thu được một số kết quả. Trước đây, có 13 điểm nóng môi trường thì hiện nay 7 điểm nóng đã được kiềm chế và khắc phục. Các điểm nóng còn lại thì hiện nay từng bước được tiếp cận và có giải pháp để tiến tới xử lý dứt điểm. Thành phố đã đạt được 5/10 tiêu chí mà trước đây đặt ra, hơn 100 mô hình hoạt động về bảo vệ môi trường đã được triển khai hoạt động. Việc phân cấp phân quyền trong bảo vệ môi trường cũng đã được triển khai triệt để, nguồn lực dành cho bảo vệ môi trường được đầu tư rất lớn…
Tuy nhiên, Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cũng thừa nhận: “Một ngày thành phố thải ra hơn 200 ngàn m3 nước thải. Trong lúc hiện nay chỉ có 4 nhà máy xử lý nước thải với công suất khoảng 150 ngàn m3/ ngày đêm. Riêng khu vực biển có 1.245 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong khi đó chỉ có 45 đơn vị, cơ sở được cấp đánh gia tác động môi trường; 201 cơ sở kinh doanh có giấy phép đấu nối; còn lại đều không có sự giám sát. Trong khi đó, về hệ thống thu gom, tuyến ống đầu tư năm 2008 chỉ có đường kính từ 250 – 800mm và có 20 cửa xả ra biển. Điều đó cho thấy với năng lực thu gom nước thải hiện nay thì chắc chắn nước thải sẽ tràn ra biển, đặc biệt là vào những cơn mưa đầu mùa”.
Về rác, ông Hùng thống kê: “Bình quân một ngày thành phố thải ra khoảng 900 tấn rác, theo tính toán đến năm 2025 sẽ là 1.800 tấn. Riêng trên quận Hải Châu hiện nay tồn tại hơn 20 quán trà sữa; bình quân một tháng các quán này thải ra khoảng hơn 100m3 rác từ ly nhựa đến ống hút. Bãi rác Khánh Sơn đến nay chứa đến 2,7 triệu tấn rác. Chi phí xử lý rác theo tính toán là 37USD//1 tấn. Có nghĩa rằng với số lượng rác hiện nay thải ra thì bình quân 1 năm thành phố phải tiêu tốn hơn 300 tỉ đồng cho vấn đề xử lý rác. “Bãi biển Đà Nẵng được mệnh danh là đẹp nhất hành tinh, nhưng sau trận mưa lũ vừa qua cũng tràn ngập rác. Qua thu gom và phân loại cho thấy rác phần lớn là từ rác sinh hoạt, vật liệu sử dụng trong gia đình như chăn, chiếu, mùng, mền…đều bị cuốn ra qua các cửa xả ra biển”.
Thừa nhận về yếu kém trong việc xử lý môi trường hiện nay, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nói: “Xin bà con cử tri chia sẻ là trong quá trình phát triển nhanh nên còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của thành phố cần rà soát lại quy hoạch nước thải và phải phân kỳ để đầu tư có hiệu quả, đồng bộ. Đặc biệt là chú ý giải pháp chống ngập”.
Phân tích rõ hơn về nguyên nhân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Thành Tiến chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập của đô thị lớn nhất miền Trung này.
Theo ông Tiến, nguyên nhân ban đầu có thể thấy được là do tính toán quy hoạch thoát nước của thành phố chưa dự báo hết được khả năng ứng phó với điều kiện thời tiết biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay; chưa dự báo được sự phát triển của đô thị.
Quá trình phát triển đô thị đã làm giảm đi số lượng hồ điều tiết tự nhiên trong thành phố, từ 42 hồ còn 32 hồ, tương đương với diện tích hồ còn khoảng gần 200 hecta với dung tích chưa khoảng 3,5 triệu m3.
Thứ ba là không thực hiện công tác duy tu, nạo vét trong thời gian dài; đồng thời chưa kiểm soát tốt tình trạng xả thải nước ngầm lẫn bùn đất của các công trình thi công. Chưa có biện pháp hạn chế xả thải của nhiều dự án lớn gây quá tải hạ tầng lên hệ thống thoát nước của đô thị. “Hiện nay công tác quản lý, công tác dự báo có vấn đề. Nếu chúng ta có dự báo tốt thì sẽ sẵn sàng ứng phó với thời tiết cực đoan hơn. Gần như tất cả điểm nóng môi trường hiện nay đều xuất phát từ quy hoạch không có dự báo”, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng thừa nhận. Ông còn nói rằng chính ông “cũng bất ngờ” là tất cả các thông tin cảnh báo, phát hiện sự cố ô nhiễm đều do người dân, trong khi thành phố có cả một hệ thống chính trị, có HĐND các cấp và các địa phương giám sát.
Bích Thuần (t/h)